Không ngại “đụng chạm” lợi ích nhóm

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 06:51 - Chia sẻ

Kết quả cải cách hành chính trong thời gian vừa qua tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, tuy vậy, công tác cải cách hành chính bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó, công cuộc cải cách luôn “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành khiến cho việc thực hiện luôn gặp khó khăn, cản trở. Đây là thực tế được Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chỉ rõ trong bài phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua. Điều này đặt ra yêu cầu, cần phải xóa bỏ “lực cản vô hình”, nếu muốn cuộc cải cách thành công.

Cải cách hành chính là công cuộc có tính đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Do đó, cải cách hành chính không còn là nhiệm vụ của riêng bộ, ngành, địa phương, cơ quan nào, mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhằm giúp cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ Nhân dân, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Để thực hiện yêu cầu này, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Chặng đường thực hiện 10 năm qua cho thấy, công cuộc cải cách đã có những “điểm sáng” rất đáng được ghi nhận. Trong đó, thể chế của nền hành chính ghi được dấu ấn cải cách với nhiều quy định được ban hành phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Cơ chế xin - cho đã được giảm thiểu thông qua việc phân cấp, phân quyền cụ thể, cũng như cắt giảm các quy trình, thủ tục hành chính không cần thiết. Không ít điểm nghẽn về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ tính trong giai đoạn 2017 - 2019, có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về cải cách điều kiện kinh doanh, với yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc cắt bỏ những rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những gam màu sáng, công cuộc cải cách vẫn còn có những hạn chế. Dù chủ trương, yêu cầu cắt giảm đã được đặt ra nhưng thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, trong đó có các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng. Việc cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Cắt giảm điều kiện kinh doanh có thực hiện nhưng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Có những thủ tục hành chính được cắt giảm nhưng lại phát sinh những thủ tục hành chính mới. Thậm chí, việc cắt giảm còn tình trạng đối phó mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng thẳng thắn chỉ rõ: Cắt giảm điều kiện này lại “mọc” ra điều kiện khác!

Yêu cầu của cải cách là phải đổi mới. Muốn đổi mới được thì phải cắt bỏ những cái cũ, những cái lạc hậu, những rào cản đối với sự phát triển. Thủ tục hành chính rườm rà thì phải cắt bỏ để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cắt việc thừa thì lại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bởi, phía sau đó là vấn đề lợi ích của cá nhân, lợi ích của bộ, ngành, địa phương, lợi ích đó luôn bị “co kéo”, không ai dễ từ bỏ. Đây là rào cản vô hình trong quá trình cải cách.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chia sẻ, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, hoặc sử dụng hồ sơ điện tử thay vì hồ sơ giấy truyền thống là rào cản rất lớn. Bởi, theo ông, điều này liên quan đến “cát cứ”, mà thực chất đó là quyền lợi, lợi ích nhóm. Nếu chúng ta làm minh bạch được vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc các bộ, ngành phải dám cắt bỏ những lợi ích riêng để hướng tới lợi ích chung.

Cái khó của người làm công tác cải cách, của người có tư duy và hành động đổi mới là bước đầu dễ “vấp” phải sự phản đối, cản đường. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đổi mới mà không có sự phản đối, vẫn dựa trên những tiền lệ như cũ, những rào cản không bị cắt bỏ, những quyền lợi, nhóm lợi ích không bị cắt bỏ thì không phải là đổi mới.

Cải cách là “đụng chạm” đến lợi ích của không ít cá nhân và lợi ích nhóm, lợi ích ngành. Do đó, việc thực hiện sẽ có những cản trở cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với yêu cầu hiện nay, chúng ta không thể “một mình một sân”, phải cải cách triệt để mới đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập. Muốn vậy, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đối với thực hiện yêu cầu cải cách trong từng lĩnh vực phụ trách. Khi chúng ta lượng hóa được các thủ tục cần cắt giảm bởi những con số cụ thể, khi trách nhiệm cá nhân được gắn với kết quả cải cách thì sẽ không còn xảy ra tình trạng: Cắt giảm thủ tục này lại “mọc” ra thủ tục kia.

Hà An