Dự án Luật Cảnh sát cơ động:

Không nên quy định cụ thể hệ thống tổ chức cảnh sát cơ động

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:31 - Chia sẻ
Cho ý kiến về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, hệ thống tổ chức khác với phương án tổ chức lực lượng cụ thể. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, lâu nay việc quy định cụ thể với các lực lượng khác, kể cả quân đội hay công an đều giao cho Bộ trưởng. Do đó, cần cân nhắc trong việc lựa chọn phương án, không nên quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của lực lượng cảnh sát cơ động trong dự thảo Luật.
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Trung Thành

Cân nhắc thẩm quyền ngăn chặn đối với phương tiện bay không người lái

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã bổ sung quyền hạn “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động” (Khoản 3, Điều 10).

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 16 dự thảo Luật quy định “Khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”. Song, Khoản 1, Điều 23 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa...”, không quy định việc được nổ súng vào phương tiện bay không người lái.

Bên cạnh đó, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, mặc dù chưa quy định về các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nhưng việc Quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, chỉ trong một số trường hợp thì cần có sự phối hợp với Bộ Công an.

Trong khi thực tiễn hiện nay, việc ngăn chặn, vô hiệu hóa đối với các phương tiện bay đòi hỏi sử dụng công nghệ hiện đại, phức tạp, khó khăn, tốn kém; việc ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác chủ yếu sử dụng hình thức bắn tiêu diệt, phá hủy mục tiêu; các nước trên thế giới hầu hết sử dụng vũ khí phòng không và quân đội phụ trách làm điều này.

Do đó, bà Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị, không nên giao quyền hạn ngăn chặn, vô hiệu hóa hay nổ súng vào phương tiện bay không người lái cho lực lượng cảnh sát cơ động như dự thảo Luật.

Làm nổi bật tính đặc thù của Cảnh sát cơ động

Một vấn đề lớn được Ban soạn thảo đưa ra tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa qua là về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động (Điều 13). Theo đó, Chính phủ đề nghị 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1: Giữ nguyên quy định về hệ thống tổ chức như dự thảo Luật, theo đó, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân.

Phương án 2: Quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng được kế thừa quy định Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013; bổ sung 2 lực lượng khác nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Phương án này cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân. 

Đa số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Phương án 2 nhằm xác định rõ mô hình tổ chức, các bộ phận cấu thành lực lượng này, làm nổi bật tính đặc thù của Cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đồng tình với Phương án 1 và cho rằng, quy định như vậy sẽ thống nhất với Điều 17 Luật Công an nhân dân. Đồng thời, quy định này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng Cảnh vệ (Điều 16 của Luật Cảnh vệ), lực lượng Cảnh sát biển (Điều 26 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam), lực lượng Bộ đội Biên phòng (Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam).

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chỉ rõ, hệ thống tổ chức khác với phương án tổ chức lực lượng cụ thể. Nếu trong dự thảo Luật quy định tổ chức lực lượng cụ thể như phương án 2 nếu sau này khi khoa học, kỹ thuật quân sự phát triển với nhiều hình thức khác nhau, không có lực lượng tương ứng thì phải chăng lại sửa luật? Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lâu nay việc quy định cụ thể đối với các lực lượng, kể cả quân đội hay công an đều giao cho Bộ trưởng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc trong việc lựa chọn phương án, không nên quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của lực lượng cảnh sát cơ động trong dự thảo Luật; đồng thời, lưu ý khi tính toán các vấn đề đặc thù bảo đảm cho cảnh sát cơ động song cũng phải bảo đảm bí mật phương án tác chiến, an ninh quốc gia…

Trung Thành