Không nên để nữ đại biểu
phải “gánh” nhiều cơ cấu

Trần Quảng 07/03/2011 08:11

Cùng với những quy định của pháp luật, nhận thức xã hội ngày càng tiến bộ. Số lượng phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử qua các nhiệm kỳ tăng khá nhanh; nhưng thực tế ở các địa phương, chất lượng của nữ đại biểu không đồng đều và còn hạn chế. Điều đó có những nguyên nhân khác nhau. Trước hết trong quá trình hiệp thương, chuẩn bị bầu cử còn để nữ đại biểu “gánh” các cơ cấu với nhiều tiêu chí kết hợp.

Theo Quyết định 215, ngày 16.2.2011 của Thủ tướng Chính phủ: định hướng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 “Cơ cấu đại biểu là phụ nữ phấn đấu đạt tỷ lệ chung khoảng 30% trở lên”. Đây là tỷ lệ lý tưởng, số nữ đại biểu khá cao so với các cơ quan dân cử ở khu vực và thế giới, nhưng vẫn chưa tương xứng với tỷ lệ dân số. Cơ cấu và chất lượng đại biểu, hai yêu cầu cốt lõi trong công tác bầu cử được đề cập khá nhiều trong quá trình hiệp thương lựa chọn ứng cử viên, đây cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở 5 năm hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước. Nếu chỉ coi trọng tiêu chí chất lượng, vai trò đại diện của cơ quan dân cử khó thực hiện. Như vậy, trước hết cần bảo đảm cơ cấu và tìm chọn thật kỹ, thật khách quan và dân chủ trong nhóm cơ cấu đó những người tiêu biểu, xứng đáng nhất để tăng cường chất lượng đại biểu. Cần giải quyết mâu thuẫn giữa cơ cấu và chất lượng một cách hài hòa để có một cơ quan thực sự là đại diện và đủ mạnh bảo đảm thực quyền trong hoạt động.

Số lượng đại biểu HĐND, nhất là ở các tỉnh miền xuôi và thành phố có tỷ lệ không cao so với số dân. Trong một xã hội có nhiều thành phần, nhiều tổ chức, đơn vị, nhiều tầng lớp dân cư, nhiều nhóm lợi ích khác nhau, ai cũng cần có người đại diện, nên một ứng cử viên thường phải chịu nhiều cơ cấu. Tiếc rằng, các tiêu chí cơ cấu lại tập trung nhiều cho chị em phụ nữ. Thật chưa công bằng và bình đẳng, khi ứng cử viên nữ thường đã cơ cấu ở ngành, đơn vị cơ sở còn gắn thêm gần hết các tiêu chí cơ cấu kết hợp trong định hướng chung. Vốn dĩ phụ nữ đảm đương công việc gia đình phải chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế hơn nam giới ngoài xã hội, đến lúc ứng cử để thực hiện quyền cao cả của người công dân còn phải gánh thêm các tiêu chí: tuổi trẻ, ngoài Đảng, tôn giáo, dân tộc thiểu số… Như vậy ngay từ đầu, chất lượng của nữ ứng cử viên đã khó đạt được và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử sau này. Mặt khác trong quá trình hiệp thương, cân nhắc, lựa chọn và cho rút khỏi danh sách khá nhiều ứng cử viên, có khi chị em còn được “điều động” đến đơn vị bầu cử không có cơ cấu nữ để làm “quân xanh” và bảo đảm số dư trong bầu cử(!). Sau hiệp thượng lần thứ ba, chốt danh sách ứng cử viên, tỷ lệ nữ, tuổi trẻ… bảo đảm khá cao nhưng chất lượng đã bộc lộ những hạn chế về trình độ, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật, kinh tế, xã hội… Do đó kết quả bầu cử các tỷ lệ này bị giảm cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, do tập trung cơ cấu cho phụ nữ, nên khi không trúng cử sẽ đồng nghĩa với việc mất khá nhiều cơ cấu làm giảm vai trò đại diện của cơ quan dân cử. Có những đơn vị bầu cử, bầu đủ năm đại biểu, nhưng không đúng cơ cấu và thiếu đại diện phụ nữ, ngoài Đảng, tuổi trẻ… Chị em thành công trong cuộc bầu cử không nhiều. Từ đó, phụ nữ mong muốn thực hiện công bằng theo đúng Luật Bình đẳng giới, những cơ cấu kết hợp được thực hiện đồng đều giữa các ứng cử viên nam và nữ.

Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị lớn, là tiền đề và cơ sở vững chắc để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Do đó, bầu cử phải bảo đảm cơ cấu và chất lượng, tỷ lệ nữ phải phù hợp vì đại diện hơn 50% dân số...

Những yêu cầu to lớn đó đều phụ thuộc vào quá trình bầu cử, đặc biệt trong hiệp thương giới thiệu, lựa chọn và quyết định danh sách các ứng cử viên thật xứng đáng để cử tri thực hiện quyền bầu cử một cách tự tin, phấn khởi đúng như ngày hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không nên để nữ đại biểu <BR/>phải “gánh” nhiều cơ cấu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO