Không nên "chậm chân"!

- Chủ Nhật, 25/04/2021, 06:34 - Chia sẻ
Đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng của nước ta như cà phê Trung Nguyên, Vinataba, Petro, Duy Lợi, kẹo dừa Bến Tre và cả cà phê Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu. Cũng có những thương hiệu lấy lại được, tất nhiên với chi phí không hề nhỏ và thời gian không tính bằng tháng. Còn lại, phần lớn doanh nghiệp chấp nhận mất thương hiệu.

Thế nên vài ngày qua, thông tin thương hiệu gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam "được" 4 công ty của Mỹ đăng ký thương hiệu đã khiến không ít người lo lắng - cho dù đây là việc rất bình thường. Bởi nếu việc này xảy ra thì khi xuất khẩu loại gạo này sang Mỹ sẽ phải xin phép doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu, thậm chí phải trả tiền sử dụng thương hiệu nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp sở hữu thương hiệu không đồng ý thì cũng phải chấp nhận vì đây là sở hữu của họ...

Rất may, điều này chưa xảy ra. Cụ thể, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo quy định của pháp luật các nước, tên gọi chung của sản phẩm, dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. Tại Mỹ, theo hướng dẫn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), thẩm định viên sẽ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu đối với tên giống cây trồng. ST25 là tên gọi chung của một giống cây trồng, không thể được đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu theo quy định của Quy chế thẩm định nhãn hiệu.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh thêm rằng, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như tại Mỹ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu trên một nhãn hiệu nào đó được cấp văn bằng bảo hộ có xuất hiện dấu hiệu ST25 cùng với các dấu hiệu khác tạo thành một tổng thể thì dấu hiệu ST25 sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ. Trường hợp vì lý do nào đó, dấu hiệu ST25 được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm gạo thì các tổ chức, cá nhân liên quan đều có thể phản đối đơn đăng ký này trên cơ sở dấu hiệu "ST25" là tên giống cây trồng và tên này không thể thuộc độc quyền của tổ chức, cá nhân nào...

Với những lý do này, có thể tạm yên tâm rằng không ai có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền với gạo ST25 tại Mỹ mà chỉ có thể bảo hộ giống lúa ST25. Vậy nhưng, nếu chúng ta không đăng ký thương hiệu gạo ST25 thì nguy cơ rất cao sẽ có doanh nghiệp khác đăng ký. Bởi theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thì sáng 22.4, Cục đã kiểm tra thông tin và hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ của 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái "đang kiểm tra". Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa thực sự bị mất tại thị trường Mỹ. Dù vậy, nếu thời gian tới doanh nghiệp không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất...

Thực tế, đã có những thương hiệu của doanh nghiệp bị mất nhưng không biết là mất khi nào. Thế nên nếu biết không nhanh sẽ bị mất mà không làm gì hoặc không biết làm như thế nào thì sẽ rất đáng tiếc bởi việc lấy lại không hề đơn giản, thậm chí là không thể...

Cho dù Bộ Công thương đã tư vấn cho doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của thương hiệu gạo ST25 đăng ký thương hiệu ở Mỹ nhưng vấn đề đặt ra là quá trình thực hiện như thế nào để không "chậm chân", để không phải "mất công" đi đòi lại thương hiệu lẽ ra là của mình. Việc này đương nhiên trách nhiệm chính thuộc về doanh nghiệp, nhưng các cơ quan chức năng cũng không thể ngoài cuộc, không thể chỉ tư vấn, hỗ trợ chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể.

Ninh Hà