Không lấy "lượng" để bù "chất"

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:02 - Chia sẻ
Cuối tháng 1.2021, Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, trong đó, có nội dung đáng chú ý là giảm diện tích sản xuất và khối lượng gạo xuất khẩu để tập trung cho chất lượng.

Theo đó, Đề án sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo chất lượng và giá trị cao. Cụ thể, chỉ tiêu đến năm 2025 là giữ diện tích lúa ở mức 3,6 - 3,7 triệu ha, với sản lượng lúa đạt 40 - 41 triệu tấn. Chỉ tiêu xuất khẩu đạt gạo 5 triệu tấn, trong đó gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 40%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Đến năm 2030, giữ diện tích đất lúa là 3,5 triệu ha, giảm 100.000 - 200.000ha so với chỉ tiêu đến năm 2025, bảo đảm sản lượng tối thiểu 35 triệu tấn lúa/năm. Chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với chỉ tiêu đến năm 2025, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, nếp 20%, gạo trắng phẩm cấp cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu 40%.

Về định hướng phát triển thị trường, các vùng sản xuất cho tiêu thụ nội địa cần có cơ cấu giống phù hợp, trong đó ngoài các giống chủ lực cần khai thác các giống đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. Với thị trường xuất khẩu, tiếp tục thực hiện chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến 2030; tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu, trong đó, cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản...

Như vậy có thể thấy, Đề án đã xác định được những điểm then chốt trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Đó là không chạy theo sản lượng, diện tích mà tập trung cho chất lượng, gắn với từng thị trường cụ thể. Đây có thể coi là khâu đột phá bởi thực tế, người nông dân luôn muốn sản xuất ra càng nhiều gạo càng tốt; mục tiêu sản lượng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước cũng luôn được đặt ra nhưng nghịch lý là cho dù sản lượng tăng nhưng giá bán không tăng, thậm chí không biết bán cho ai.

Thực tế, đã có những tín hiệu tích cực. Như nhận định của Bộ Công thương là cơ cấu gạo xuất khẩu của nước ta đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Do đó, nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Mỹ...

Cụ thể hơn, theo thông tin của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặt hàng gạo của nước ta đã tập trung vào chất lượng và cho kết quả khả quan. Đó là dù giá gạo xuất khẩu đã giảm nhưng giá gạo xuất khẩu của nước ta vẫn ở mức cao nhất thế giới. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã giảm nhiều trong các chu kỳ điều chỉnh trước, hiện bán ra ở mức 439 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam tới 39 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Pakistan ngày 17.6 bán ra ở mức 428 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt Nam 50 USD/tấn; gạo Ấn Độ có giá thấp nhất, ở mức 388 USD/tấn, thấp hơn gạo của nước ta 90 USD/tấn.

Sẽ không bao giờ muộn khi những điểm yếu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đã được chỉ ra và các giải pháp khắc phục bước đầu đã có kết quả. Như đại diện một doanh nghiệp đã chia sẻ rằng chúng tôi xuất khẩu gạo thơm với giá trên 500 - 700 USD/tấn nên điều quan trọng không nằm ở số lượng xuất khẩu mà nằm ở chất lượng và giá gạo. Đây có thể coi là tiền đề, là minh chứng rõ ràng, thuyết phục để tiến tới chấm dứt tình trạng lấy "lượng" bù "chất" như đã diễn ra lâu nay.

Khánh Ninh