Không kiểm tra sức khỏe định kỳ, hậu quả khó lường
Liên tiếp những ca nhập viện trong thời gian gần đây với diễn tiến nặng bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ đã một lần nữa gióng lên hồi chuông về bảo vệ sức khỏe chủ động của cộng đồng.
Biến chứng viêm gan B do phát hiện bệnh muộn
Mới đây nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về 2 trường hợp bệnh nhân được chuyển tuyến trong tình trạng gan đã tiến triển nặng đến xơ gan và u gan. Điều đáng nói là cả hai chỉ mới biết mình mắc viêm gan B cách đây chưa đầy 2 tháng.
Thông tin từ bệnh viện cho biết: Điểm chung của 2 bệnh nhân này là không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nghĩ rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường.
Chỉ đến khi xuất hiện một số dấu hiệu tình cờ, họ mới đi khám, nhưng lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến khả năng điều trị bằng thuốc gần như không còn hiệu quả, buộc phải can thiệp ngoại khoa.
Theo các chuyên gia, hai trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình trong số rất nhiều bệnh nhân viêm gan B phát hiện bệnh muộn do chủ quan, không thăm khám sức khỏe định kỳ - đặc biệt là ở người trẻ tuổi, khi sức khỏe còn tốt và hầu như không có triệu chứng.

Khám sức khoẻ định kỳ: Lợi ích lớn cho mỗi cá nhân
Không chỉ viêm gan B mà rất nhiều bệnh lý khác cũng có nguy cơ biến chứng khi phát hiện muộn, chính vì thế bên cạnh việc chú ý dinh dưỡng lành mạnh và rèn luyện thân thể, các bác sĩ đều khuyến khích mỗi người nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ.
Theo các chuyên gia, việc khám sức khoẻ định kỳ mang lại nhiều lợi ích:
- Phát hiện sớm các vấn đề bệnh tật: Nhiều người thường chủ quan cho rằng, chỉ cần ăn uống điều độ, sinh hoạt lành mạnh, không hề có triệu chứng bất thường nào đồng nghĩa bản thân đang khỏe mạnh.
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, cao huyết áp, ung thư… đôi khi không biểu hiện ra bên ngoài ở giai đoạn đầu, mà chỉ phát hiện khi siêu âm, chụp phim X-quang. Khi những triệu chứng xuất hiện rõ ràng thì bệnh thường đến giai đoạn nguy hiểm.
Việc thăm khám sức khoẻ định kỳ có thể hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm, giúp tăng khả năng điều trị khỏi bệnh, tiết kiệm thời gian.
- Giảm bớt sự lo lắng: Với nhịp sống bận rộn, rất nhiều thói quen xấu dần hình thành. Điều này tạo cơ hội cho các dấu hiệu bất thường, như khó thở, đột ngột mất thị lực, khả năng nghe, nói, dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang.
Việc chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên, mỗi người có thể hiểu về cơ thể mình và nắm bắt được nguyên nhân gây ra các triệu chứng không bình thường. Nhờ đó, thoát khỏi những lo lắng không đáng có và tập trung vào công việc hoặc học tập tốt hơn.
- Kịp thời điều chỉnh thói quen sống: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn đúng trong mọi trường hợp. Tương tự, việc khám sức khoẻ định kỳ không chỉ giúp cập nhật tình trạng sức khỏe, mà còn là thước đo khoa học để đánh giá, điều chỉnh lại lối sống hàng ngày, từ đó đảm bảo sức khỏe tốt hơn trong tương lai.
Thông qua kết quả thăm khám cũng như các chỉ số xét nghiệm, bác sĩ có thể dự đoán sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong tương lai. Từ đó, hướng dẫn cho bệnh nhân điều chỉnh lối sống lành mạnh.
- Thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội: Bằng cách phát hiện yếu tố nguy cơ bệnh từ sớm, khám sức khoẻ định kỳ giúp người bệnh chủ động trong việc điều trị bệnh, góp phần cắt giảm các khoản phí chăm sóc y tế về sau, tránh ảnh hưởng đến tài chính gia đình.
Khám sức khoẻ định kỳ không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, mà còn là hành động đẹp vì cộng đồng, góp phần giảm tải cho hệ thống y tế và tăng hiệu quả điều trị.

Bao lâu nên kiểm tra sức khỏe 1 lần?
Tình trạng sức khỏe của mỗi người không giống nhau, nên việc khám sức khỏe định kỳ bao lâu 1 lần còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, môi trường làm việc, thói quen sinh hoạt, tiền sử sức khỏe bản thân và gia đình.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến khích mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Khoảng cách mỗi lần khám cần duy trì đều đặn, tránh tình trạng tần suất khám ngắt quãng, ảnh hưởng đến kết quả phản ánh về sức khỏe.
Theo Sở Y tế thành phố Hà Nội, kiểm tra, khám sức khỏe tổng quát hàng năm là giải pháp tìm ra các yếu tố nguy cơ của bệnh tật, giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ cũng là cách giúp phòng ngừa, tầm soát các bệnh lý khi cơ thể còn đang khỏe mạnh. Từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt thông qua lời khuyên, tư vấn tận tình của bác sĩ chuyên môn.
Với ý nghĩa của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mang lại, mỗi gia đình càng cần xây dựng và duy trì thói quen này.
Giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trọn đời…
Ước tính với 100 triệu người dân, mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng, tương đương mỗi năm phải chi 25.000 tỉ đồng.
Từ năm 2030 đến 2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.