Không huyền thoại và không bịa tạc
Kịch Dưới đáy, Những kẻ thù, tiểu thuyết Người mẹ, bộ tự truyện ba tập Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi... Có lẽ, hiếm thấy một nhà văn nước ngoài nào – kể cả Gabriel Garcia Marquez – lại được dịch ra tiếng Việt khá đầy đủ và hệ thống như nhà văn Nga Maxim Gorky (1868-1936).

Gạt sang một bên những sở thích riêng tư hay định kiến chính trị hẹp hòi, đến ngày hôm nay, Maxim Gorky vẫn được coi là nhà văn đầy phức tạp, đầy mâu thuẫn, nhưng đã đóng vai trò đặc biệt trong tiến trình văn học cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ý nghĩa sáng tạo của ông trong hai chục năm gần đây đã bắt đầu được soi rọi theo cách mới.
Trong dịp kỷ niệm lần thứ 140 ngày sinh Maxim Gorky, tại Viện Văn học Thế giới mang tên M. Gorky, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề Maxim Gorky – nhìn từ thế kỷ XXI về vị trí của nhà văn trong thế giới hiện nay đã diễn ra trong hai ngày 27 và 28.3.2008. Các đại biểu của giới nghiên cứu văn học Nga, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Italy và Mỹ đã đọc tham luận và thảo luận sôi nổi những vấn đề quan thiết: Gorky có phải người sáng lập ra phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa?... NĐBND xin trích giới thiệu một tham luận quan trọng tại hội thảo này.
... Gorky là một trong những tác gia then chốt của văn học thế giới thế kỷ XX, không nghiên cứu sáng tác của ông thì sẽ không thể hiểu lịch sử, cuộc đấu tranh triết học - tư tưởng và đời sống văn hóa - xã hội thời kỳ ấy. Những câu hỏi – về động lực của lịch sử, về chức phận của con người và ý nghĩa cuộc sống, mối tương quan giữa cá nhân và tập thể, niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo, tự do và nhu cầu, tính nhân văn và thói bạo lực - hằng khiến nhà văn trăn trở vẫn tiếp tục chiếm lĩnh đầu óc của con người trong thế kỷ XXI, bởi vì thế giới lại lâm vào ngưỡng của một cuộc khủng hoảng và những biến cải toàn cầu.
Đặc trưng cho các sáng tác thời kỳ đầu của Gorky là sự tổng hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn với chủ nghĩa hiện thực. Nhưng không chỉ có thế, trong các truyện ngắn của ông có “những mũi kim sắc sảo và tinh vi của tính tiểu tư sản”. M. Nike - nhà nghiên cứu đương đại - coi M. Gorky với chủ nghĩa tân lãng mạn kiểu Nietzsche rất gần với những người cùng thời ông theo chủ nghĩa tân hình thức, song vẫn khác với Nietzsche là nhà văn đã tạo dựng nên cách tân thần thánh. Dẫu có nói gì về phương pháp sáng tác của M. Gorky, nhưng ông vẫn cứ là một nhà cách tân và mở ra một khuynh hướng văn học được gọi là “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong thập niên 30 của thế kỷ vừa qua. ấy là tên do người ta đặt cho, chứ bản thân Gorky vẫn gọi đó là phương pháp lãng mạn xã hội chủ nghĩa. Bây giờ, một lần nữa nảy sinh câu hỏi: Phải chăng phương pháp đó là kết quả “sự bạc nhược” của M. Gorky, là trò bịa tạc của giới chức sắc thời Stalin hay một bước tiến triển mới của quá trình văn học ở Nga thế kỷ XX?
... Học giả Vogué có viết rằng: Sự phục sinh của chủ nghĩa lãng mạn diễn ra trên khắp châu âu: Gorky (Nga), Habriel D’Annuzio (Pháp), Rudyard Kipling (Anh), Gerhard Hauptmann (Đức), Henryk Sienkiewicz (Ba Lan) – tất cả các tác giả đó là anh em ruột có chung một người cha tinh thần là Nietzsche. Tiên cảm về những biến động sắp tới, về sự tan rã của những mối quan hệ vốn bền vững trong xã hội và gia đình đã sản sinh ra vấn đề “thế giới liên hiệp lại” xung quanh con người và tìm kiếm lý tưởng lãng mạn. Trong văn học Nga đầu thế kỷ XX, liên quan đến việc đánh giá lại toàn bộ các giá trị thì vấn đề tính cá nhân là đặc biệt nóng bỏng. Một lớp nhà văn thì theo Nietzsche với lý tưởng “con người thực chất”, sống theo luật của chính mình, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy chuẩn nào của cuộc sống xã hội; Một lớp khác lại theo lý tưởng của Hyppolite Taine, coi trọng tính tích cực chủ động của cá nhân để vượt qua uy lực của môi trường, kết hợp với học thuyết Marx về sự lệ thuộc của con người vào những yếu tố kinh tế... Gorky thuộc số những nhà văn ca tụng con người tích cực hiến mình cho cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội và kiến tạo lại cuộc sống với khởi đầu trí tuệ hơn. Trên phương diện triết học thì tư duy của nhà văn còn bảng lảng giữa hai thái cực, loay hoay tìm cách tổng hợp, dung hòa chúng làm một. Ở giao thừa hai thế kỷ, nhà văn viết: “Tôi không biết còn có gì tốt đẹp hơn, phức tạp hơn, lý thú hơn con người. Con người là tất cả. Con người tạo nên thánh thần... Tôi tin rằng con người có khả năng không ngừng tự hoàn thiện, theo đó toàn bộ hoạt động của con người sẽ tiến triển cùng với con người từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Tôi tin rằng cuộc sống là vô hạn, và tôi hiểu cuộc sống là sự chuyển động tới sự hoàn thiện tâm hồn”. Xin nhấn mạnh: không phải tới sự hoàn thiện cơ cấu xã hội, mà là sự hoàn thiện của tâm hồn và của bản thân con người. Riêng điều đó thôi cũng đủ chứng tỏ Gorky không phải là tín đồ của chủ nghĩa Marx. Ông thẳng thắn thú nhận trong thư gửi A. M. Skabichevsky: “Tôi không theo Marx và sẽ mãi mãi không theo”. Đức tin đích thực của Gorky trong suốt cuộc đời nhà văn là Con Người.
Cũng trong năm 1906, khi ở nước Nga xuất hiện bài Karl Marx như một tôn giáo mới của S. Bulgakov, nhà văn đang ở Mỹ bắt đầu viết tiểu thuyết Người mẹ như một sách gối đầu giường cho giai cấp vô sản. Gorky hiểu lý tưởng xã hội chủ nghĩa như một tôn giáo mới, tức là một biểu hiện của đời sống tinh thần. Gần gũi với những người Bolshevich từ năm 1902 và tìm mọi cách giúp đỡ họ, vậy mà nhà văn vẫn không là người Marxist. Tiểu thuyết Người mẹ bị V. Lenin phê bình chính là bởi trong tác phẩm, phong trào công nhân được thể hiện như con đường dẫn tới niềm tin mới, nhưng các nhân vật trong đó lại giống như những thánh thần công giáo. Tiểu thuyết Người mẹ và Lời bạch phản ánh quan điểm kiến tạo thánh thần của Gorky, việc mà ông say mê sau khi đọc Tôn giáo và chủ nghĩa xã hội, Tương lai của tôn giáo của A. Lunacharsky. Đã từng làm quen với âu - Mỹ và những biến dạng của trào lưu dân chủ - xã hội và những luận thuyết mới nhất của triết học, Gorky đi đến kết luận rằng bản thân khái niệm “cách mạng” cần được khơi sâu và mở rộng, đưa vào đó ý tưởng đổi mới tinh thần con người thông qua một tôn giáo mới.
Sự khác biệt giữa nhà văn với Lenin bộc lộ sâu sắc trong những ngày bão táp 1917-1918 và có sự đánh giá gay gắt đối với hành động và tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm của vị lãnh tụ cách mạng... Không hiểu rõ lắm nguyên nhân sự khác biệt về triết học giữa những người dân chủ - xã hội, Gorky đã có một thời gian dài không ưa những biểu hiện khác nhau của “đấu tranh nội bộ” và cho đến lúc chết vẫn chỉ coi mình là người Bolshevich ngoài Đảng. Mặc dầu vậy, nhà văn vẫn không từ bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đường lối tập thể vô sản.
Những năm dưới chính quyền Xô viết, quan điểm về thế giới và con người của Gorky có thay đổi, nhưng cấu thành của nó thì vẫn giữ được như trước: Chủ nghĩa xã hội như một điều kiện để phát huy tinh thần của từng cá nhân, chủ nghĩa tập thể là cơ sở đảm bảo thành công trong lao động, giáo dục con người mới và ước mơ về sự hài hòa của thế giới: Phải đấu tranh với thiên nhiên, phải rèn đúc lại những kẻ tội phạm, phải đạt tuổi thọ cao. Một trong những đề tài Gorky thích phát biểu là xây dựng “chủ nghĩa nhân văn vô sản”. Trong cuộc thảo luận về bản báo cáo ngày 25.3.1918 tại Nhà Xuất bản Văn học Thế giới, M. Gorky vặn lại ý kiến của A. Blok và khẳng định rằng trong những năm cách mạng, lý tưởng phong kiến truyền thống đã tạm rút lui và đề nghị thay nó bằng “chủ nghĩa nhân văn mới” – từ này sau đó được thêm tính từ “vô sản”... Trong điều kiện nguy cơ phát xít ngày mỗi tăng, khi nhà thờ Chính thống giáo ở phương Tây mở cuộc thập tự chinh chống Liên Xô, việc bảo vệ các giá trị chung của nhân loại đòi hỏi phải khắc nghiệt, không khoan nhượng với kẻ thù, Gorky khẳng định: “Nếu kẻ thù không chịu quy hàng thì phải bắn bỏ” - ấy là nhằm vào kẻ thù, chứ không hề nhằm vào những nạn nhân vô tội. Cái logic nghiêm khắc “lòng căm thù của giai cấp vô sản” được nhà văn coi như khả năng duy nhất, khi bản thân nguyên tắc tồn tại của Liên Xô bị lâm nguy. Tuy nhiên, vừa công nhận quyền được khắc nghiệt về mặt lý thuyết, Gorky vẫn cố gắng kiềm chế thói khủng bố đang lộng hành, cứu nhiều người khỏi bị theo dõi và hãm hại, gắng dung hòa Stalin với các thành viên của phái chống đối, lên tiếng chống bẻ cong công cuộc tập thể hóa...
Gorky quả thực đã trở thành nhà kinh điển đầu tiên của xu hướng mới trong văn học Nga. Ông muốn tạo nên một hình mẫu mới về nguyên tắc cho thế giới, trong đó kết hợp được những học thuyết hiện đại với ước mơ lâu đời trong dân gian về hạnh phúc và cuộc sống mới. Từng bước lĩnh hội các hệ thống văn học tiên phong và truyền thống, nhà văn tiến tới chứng minh một phương pháp dựa trên cơ sở mắt thấy tai nghe hiện thực, từ tầm cao của các lý tưởng tương lai. Phương pháp lãng mạn xã hội chủ nghĩa của nhà văn, sự tổng hòa giữa chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa tân hình thức đã làm nên cái mới của ông.
Đăng Bẩy dịch
_____________________
Lidia Spyridonova - Tskh Văn học, Phó trưởng ban Nghiên cứu và xuất bản tác phẩm của M. Gorky, Viện Văn học Thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.