Không gian văn hóa Mường nguyên bản

Liên Hường 08/08/2021 14:15

Nhà sàn truyền thống của người Mường ở Hòa Bình có hình dáng bên ngoài giống con rùa. Nhà được cất ở nơi có thế dựa lưng vào núi đồi và hướng quy tụ tinh khí đất trời để những người sống trong đó quanh năm may mắn, sức khỏe dồi dào...

	Nhà sàn truyền thống của người Mường ở Hòa Bình có hình dáng giống con rùa - Ảnh: Trung Đức
Nhà sàn truyền thống của người Mường ở Hòa Bình có hình dáng giống con rùa
Ảnh: Trung Đức

Bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hòa Bình, được coi là bảo tàng sống về văn hóa truyền thống dân tộc Mường khi vẫn còn nguyên vẹn lối kiến trúc truyền thống của những nếp nhà sàn, khung cửi dệt vải của phụ nữ Mường xưa kia hay dụng cụ lao động sản xuất như cối giã gạo, cung, nỏ săn bắn, đồ đạc làm nương rẫy vẫn được người dân lưu trữ. 

Không gian văn hóa Mường nguyên bản này cách thành phố Hòa Bình khoảng 12km, đi lại rất thuận tiện. Đáng chú ý, tại đây còn những nóc nhà sàn truyền thống, dù một số nhà làm thêm gian bếp, thêm công trình phụ hiện đại giống của người Kinh, nhưng khối nhà chính vẫn được giữ gìn nghiêm cẩn.

Trong những nếp nhà sàn cổ của người Mường ở Hòa Bình, mọi người vẫn thường quây quần chơi cồng chiêng - Ảnh: kpvn
Trong những nếp nhà sàn cổ của người Mường ở Hòa Bình, mọi người vẫn thường quây quần chơi cồng chiêng
Ảnh: kpvn

Những ngôi nhà sàn cổ của người Mường đều nằm ở chân núi Mỗ. Giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng, những nếp nhà sàn hàng trăm tuổi kiên cố, trầm mặc như một minh chứng cho sức sống lâu bền của văn hóa Mường, bên trong nó vẫn luôn là một xã hội Mường thu nhỏ. Nếu là nhà từng có nhiều thế hệ sinh sống, sẽ có thêm biểu tượng thần trời trên nóc, rất dễ nhận ra.

Áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có đoạn kể rằng, vào ngày nọ, vị lang đầu tiên cai quản đất Mường, Đá Cần bẫy được một con rùa. Rùa một mực van nài lang đừng giết mình, đổi lại, mách lang cách làm nhà sàn: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp”. Nhà sàn của người Mường ra đời như vậy. Không biết có phải từ tích này mà rùa đã trở thành con vật thiêng của đồng bào Mường, từ rất lâu rồi. Dựng vợ gả chồng cho con cái, xem ngày tốt cất nhà, đồng bào đều mang lịch Rùa ra soi xét.

Khi dựng nhà sàn, đồng bào bao giờ cũng dựng cột cái đầu tiên, nó chính là cây cột thiêng, nếu là nhà của người con trai trưởng dòng họ, bàn thờ tổ tiên sẽ đặt ngay sau cột đó. Nhà sàn của người Mường có nhiều điểm khác biệt so với nhà sàn của một số tộc người khác, nhất là cặp cầu thang chính - phụ. Đầu tiên phải kể đến chiếc chạn đựng nước bằng ống bương, dưới chân cầu thang chính. Khách đến chơi đều phải dừng lại đây, múc gáo nước thật chậm rãi, cẩn thận, không được để nước sánh ra ngoài, rửa tay, rửa chân rồi mới được lên nhà. Nước trong những ống bương này do phụ nữ trong nhà xuống suối từ rất sớm mang về. Làm như vậy, vì sạch sẽ một phần, còn phần nhiều là để báo cho chủ nhà biết có khách, chuẩn bị tâm lý, ổn định nơi tiếp đón. Khách leo lên đến nơi, mọi thứ đã đâu vào đấy, chu đáo, vẹn toàn.

Gian bếp của trong nhà người Mường - Ảnh: kpvn
Gian bếp trong nhà người Mường 
Ảnh: kpvn

Cầu thang phụ thì chỉ dành cho người trong nhà, bởi nó dẫn thẳng lên gian buồng, nơi để những đồ đạc quý, cũng là nơi riêng tư của gia chủ. Đồng bào thường dùng thân cây gỗ tròn để đẽo thành cầu thang, số bậc cầu thang luôn là lẻ. Theo quan niệm, bậc thang lẻ mới tuân thủ đúng quy luật vào - ra - vào, của cải, hạnh phúc chỉ có vào mà không có ra. Và dù là cầu thang phụ hay cầu thang chính thì cũng không bao giờ hướng thẳng vào cửa chính mà chỉ được nép vào một sảnh, đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà.

Khi làm xong nhà mới còn có một thủ tục quan trọng là đắp bếp. Chủ nhà sẽ cúng vua bếp để mong phù hộ khỏi hỏa hoạn, sau đó con cháu là người lót bếp, lấy đất và đổ đất để đắp bếp, người già châm lửa nướng cá đốt cho lửa cháy mãi trong đêm không tắt tượng trưng cho cuộc sống ấm áp, có cơm cá nấu nướng thường xuyên. 

	Những ngôi nhà sàn luôn dựa lưng vào núi đồi - Ảnh: Trung Đức
Những ngôi nhà sàn luôn dựa lưng vào núi đồi  
Ảnh: Trung Đức

Nhà sàn của người Mường được thiết kế rất nhiều cửa sổ ở phía trước, để bảo đảm trong nhà đông ấm, hè mát. Đồng bào coi cửa sổ là nơi linh thiêng, nơi họ tiễn đưa những người thân trong gia đình về thế giới bên kia. Phụ nữ, dù là chủ hay khách, đều không được phép ngồi ở đây.

Trong những nếp nhà sàn cổ của người Mường ở Giang Mỗ, mọi người vẫn thường quây quần chơi cồng chiêng - di sản văn hóa quý của gia đình, dòng họ. Bên trong không gian được bao bọc bằng biết bao gỗ, tre, bương, gianh này, đã và vẫn sẽ luôn vang vọng những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc quý báu.

Nhà sàn của người Mường thường có cấu trúc một gian hai chái, được chia làm 3 phần. Trên cùng là gác đựng lương thực, đồ dùng gia đình. Sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, còn gầm sàn nhà là nơi để dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mái nhà truyền thống có 4 mái, 2 mái trước và sau có hình thang cân, 2 mái đầu hồi có hình tam giác cân. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không gian văn hóa Mường nguyên bản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO