Không gian sáng tạo định hình bản sắc đô thị
Không gian nghệ thuật, trung tâm thiết kế và thủ công… đang nở rộ tại các thành phố, thể hiện sự phát triển hệ sinh thái văn hóa sáng tạo Việt Nam.
Đa dạng hóa mô hình và hoạt động
Với ảnh hưởng từ các mô hình thành công trên thế giới, cùng ý tưởng mới mẻ của các nghệ sĩ, kiến trúc sư và người yêu văn hóa, không gian sáng tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Những công trình kiến trúc cũ hoặc có chức năng truyền thống được "hồi sinh". Ví dụ điển hình là việc chuyển đổi các nhà máy, tòa nhà cũ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thay vì bị đập bỏ và thay thế bởi công trình mới, chúng đã được các nhóm sáng tạo biến đổi thành khu phức hợp độc đáo với phòng trưng bày nghệ thuật, quán cà phê sách, cửa hàng thủ công, studio thiết kế và không gian biểu diễn... thu hút đông đảo giới trẻ và du khách quốc tế.
Nhiều tòa nhà mới hiện đại cũng được xây dựng với mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh về hệ sinh thái sáng tạo Việt Nam, năm 2014 có khoảng 40 không gian sáng tạo. Sau 10 năm, con số này đã tăng lên đến 300 không gian vào năm 2024.
Sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo còn thể hiện ở đa dạng hóa về mô hình và hoạt động. Một số là không gian đa năng, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật và dịch vụ trong cùng địa điểm.
Bên cạnh đó, các trung tâm thiết kế và thủ công tập trung trưng bày và bán các sản phẩm thiết kế độc đáo, đồ thủ công mỹ nghệ, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống qua góc nhìn hiện đại.
Không gian biểu diễn và sự kiện, cung cấp sân khấu cho các buổi hòa nhạc, biểu diễn kịch thể nghiệm, chiếu phim độc lập... tạo ra môi trường thân thiện cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng.

Ngoài ra còn có các trung tâm sáng tạo hay không gian làm việc chung (coworking space), là môi trường kết nối, chia sẻ ý tưởng giữa các cá nhân và nhóm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo.
Ươm mầm và phát triển ý tưởng đột phá
Sự phát triển của không gian văn hóa sáng tạo mang lại nhiều tác động tích cực: thúc đẩy kinh tế sáng tạo, tạo ra việc làm cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế, thợ thủ công và những người làm trong ngành dịch vụ văn hóa.
Các không gian này cũng góp phần nâng cao giá trị di sản, bảo tồn và phát huy các công trình kiến trúc bằng cách cho chúng sức sống mới và chức năng hiện đại.
Hoạt động của không gian này đã cung cấp nhiều lựa chọn giải trí cho cộng đồng, thúc đẩy tương tác và gắn kết xã hội thông qua các hoạt động văn hóa. Qua đó, định hình bản sắc đô thị, góp phần tạo nét đặc trưng và cá tính cho các thành phố, biến chúng thành điểm đến hấp dẫn hơn.

Mặc dù phải đối mặt với một số thách thức, song nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly nhận định, trong 5 năm tới, với đà phát triển hiện có, công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục cộng hưởng và đi lên cùng với xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế sáng tạo toàn cầu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giúp lan tỏa nhanh chóng các giá trị văn hóa sáng tạo từ Việt Nam ra với thế giới.
Với tầm nhìn ấy, các không gian văn hóa sáng tạo đóng vai trò nền tảng, không chỉ là nơi ươm mầm và phát triển những ý tưởng đột phá, mà còn là cầu nối hiệu quả để đưa sản phẩm và tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với công chúng quốc tế.
Khi được định hướng đúng đắn và có chính sách phát triển, các không gian này sẽ là động lực quan trọng, giúp ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam thực sự vươn tầm, khẳng định vị thế và bản sắc trên trường quốc tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư cho nghệ thuật và việc tạo ra các không gian mở cho sáng tạo là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam trở thành trung tâm văn hóa nổi bật trong khu vực.