Không gian nghệ thuật đặc sắc Nam Trung Bộ

L.Thủy thực hiện 20/02/2012 07:53

Theo Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Gs Hoàng Chương, bài chòi là loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ, nên trong hồ sơ trình UNESCO cần nhấn mạnh không gian nghệ thuật bài chòi.

Theo Giáo sư, nét đặc sắc nhất của bài chòi là gì?

- Cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác, nét đặc sắc của bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian do người lao động sáng tạo ra, đã sống trong dân gian hàng trăm năm và tồn tại tới ngày nay. Bài chòi không phải loại nghệ thuật mới của phương Tây du nhập và không thể đưa yếu tố nước ngoài vào. Hơn nữa, nghệ thuật này hoàn toàn gần gũi với người lao động, thu hút họ đến chơi như một phương tiện giải trí lành mạnh, không phân biệt đẳng cấp. Những câu thai, ngoài yếu tố giải trí, còn mang yếu tố giáo dục đạo lý, vừa phê phán những thói hư tật xấu, hướng đến cái tốt, cái thiện.

Có thể nói, bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Trung Bộ. Ở nơi đây, từ người già tới trẻ đều thuộc những câu hô, câu hát. Lúc ăn, lúc ngủ họ đều nghe bài chòi, ở hầm trú ẩn cũng nghe bài chòi... Không có loại hình nghệ thuật nào có sức hấp dẫn người dân Nam Trung Bộ đến như vậy. Loại hình nghệ thuật nào đã ngấm vào tiềm thức của người dân thì đó là nghệ thuật của dân gian, và sẽ sống mãi.

Còn về nghệ thuật của bài chòi thì sao, thưa Giáo sư?

- Đặc sắc nhất của bài chòi cổ thể hiện ở chỗ hô là chính, hát là phụ. Vì thế, người ta gọi là hô bài chòi chứ không hát bài chòi. Trong hội chơi bài chòi, khi giơ thẻ bài, anh Hiệu hô câu thai để người nghe đoán tên con bài. Âm nhạc bài chòi dân gian cũng đơn giản, có 3 cây đàn nhưng không thể thiếu 2 phách thẻ tre. Người gõ nhịp cũng là người biểu diễn, chứ không ngồi một chỗ.

Chúng ta đang triển khai làm hồ sơ bài chòi trình UNESCO. Theo một số ý kiến, hồ sơ nên nhấn mạnh vào không gian nghệ thuật bài chòi. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?

- Dù cái nôi là Bình Định, nhưng bài chòi là loại hình nghệ thuật đặc trưng của một vùng miền. Nói đến bài chòi là nói đến Liên khu V, cũng như đờn ca tài tử của Nam Bộ, hay Tây Nguyên có cồng chiêng... Loại hình nghệ thuật này chỉ tồn tại và phát triển ở một vùng nhất định. Bài chòi dân gian không thể ra miền Bắc, bởi tiếng Bắc hát không hay và không hợp gu... Do đó, tôi cũng đồng ý rằng hồ sơ nên nhấn mạnh không gian nghệ thuật bài chòi, chứ không tập trung vào nghệ thuật bài chòi ở một địa phương nào.

Theo Giáo sư, việc lập hồ sơ trình UNESCO sẽ có tác động tích cực thế nào đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi?

- Hiện bài chòi dân gian và bài chòi chuyên nghiệp đang tồn tại song song. Các đoàn chuyên nghiệp chạy theo thị hiếu khán giả làm mới bài chòi, bằng cách đưa các loại hình nghệ thuật khác vào, làm mai một bài chòi nguyên gốc. Trong khi đó, ở các đoàn bài chòi không chuyên, người già rất giỏi trong sáng tạo, ứng biến, còn người trẻ thuộc bài và hát rất ngọt. Vì thế, việc bài chòi được lập hồ sơ trình UNESCO và có thể được tôn vinh sẽ giúp các đoàn bài chòi chuyên nghiệp nhìn nhận và học lại bài chòi cổ. Bởi muốn cho bài chòi tồn tại và phát triển, nhất thiết phải giữ cho bài chòi không lai tạp và biến dạng, tức là không dân ca hóa và kịch hóa bài chòi. Đây cũng được coi là cú hích để các tỉnh quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật bài chòi. Nếu không có động thái mang tầm quốc gia và quốc tế, loại hình nghệ thuật này sẽ không được chú ý bảo tồn và phát huy đúng hướng và đúng mức.

Cám ơn Giáo sư!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không gian nghệ thuật đặc sắc Nam Trung Bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO