Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Không được chậm trễ hơn nữa

- Thứ Tư, 22/09/2021, 11:11 - Chia sẻ
Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14) vào tháng 6.2020. Đến nay đã hơn 1 năm nhưng Chương trình chưa được phân bổ vốn và việc tổ chức triển khai thực hiện hầu như chưa chuyển động. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ phải kiểm điểm nghiêm túc về sự chậm chễ này và rút kinh nghiệm sâu sắc.
		Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
 Ảnh: Hồ Long

Chương trình có quy mô, ý nghĩa lớn

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 (sau đây gọi là Chương trình) có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn là vùng "lõi nghèo" của cả nước.

Với tổng kinh phí tối thiểu là 137,6 nghìn tỷ đồng, Chương trình đặt mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Cùng với đó, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…

Chương trình có 10 dự án thành phần, trong đó có những dự án thành phần đặc thù, như quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư. Bên cạnh đó, có dự án liên quan đến vấn đề chính sách dân tộc cho những cư dân tộc rất ít người  với 2 tiểu dự án: đầu tư tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hầu như chưa chuyển động

	Nhiều chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo và phát triển bền vững - Ảnh: TTXVN
Nhiều chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào thoát nghèo và phát triển bền vững
Ảnh: TTXVN

Đây là chương trình có quy mô lớn nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, được đồng bào, cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất kỳ vọng. Tuy vậy, qua báo cáo của Chính phủ tại phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, sau hơn 1 năm, hầu như chương trình không có chuyển động gì. “Rõ ràng Chính phủ phải nhận trách nhiệm về chuyện chậm trễ này. Chính phủ phải tổ chức kiểm điểm xem trách nhiệm nằm ở bộ, ngành nào, cụ thể nguyên nhân nào là khách quan, nguyên nhân là chủ quan” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu.

Tính tới thời điểm báo cáo (ngày 9.9), các cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo yêu cầu tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội vẫn chưa được ban hành. Theo Hội đồng Dân tộc, sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Cụ thể, Chính phủ chưa hoàn thành xây dựng các văn bản quan trọng như: Quyết định của Thủ tướng ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình; Nghị định của Chính phủ về Cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện 10 dự án thành phần, hướng dẫn quy trình đánh giá, giám sát; quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình cũng đang trong quá trình xây dựng.

Đặc biệt, đến thời điểm này, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, Quyết định đầu tư Chương trình vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt. Hội đồng Dân tộc cho rằng, việc chưa ban hành Quyết định đầu tư Chương trình làm chậm quá trình tiếp cận nguồn lực phát triển.

Nguyên nhân của sự chậm trễ, theo báo cáo của Chính phủ, bên cạnh các nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn, do lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc được giao là cơ quan chủ chương trình mục tiêu quốc gia lớn nên có sự lúng túng trong quá trình điều phối, tham mưu, triển khai kế hoạch công tác đầu năm 2021. Trong một số nhiệm vụ cụ thể, tại một số thời điểm cho thấy sự thiếu quyết liệt, thiếu sự chủ động phối hợp của các bộ, ngành với cơ quan chủ trì trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn thiếu tính thống nhất, chưa thực sự phát huy hiệu quả...

Phải triển khai từ năm 2022

Tại phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo triển khai các mục tiêu cụ thể có thể thực hiện được, bảo đảm tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nội dung, kinh phí thực hiện các dự án thành phần cần được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng trong các Nghị quyết đã được Quốc hội phê duyệt.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện báo cáo khả thi và Ban hành Quyết định đầu tư Chương trình ngay trong năm 2021. Tập trung chỉ đạo, hoàn thiện sớm các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ hoàn thành trong năm 2021, để kịp đưa Chương trình vào triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2022. 

Việc Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là quyết định mang tính lịch sử, tạo bước ngoặt, đột phá, là động lực to lớn để đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước.  Nếu tiếp tục chậm trễ, hiệu quả của Chương trình sẽ bị ảnh hưởng, các mục tiêu đặt ra sẽ khó đạt được. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo, sớm ban hành các chính sách đặc thù, làm cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan để triển khai thực hiện Chương trình. Những nội dung chính sách pháp luật nào còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp cần sớm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Vy Hương