Không đủ thời gian trả lời thỏa đáng tại kỳ họp
Do số lượng câu hỏi chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay nên mặc dù đã được dành trọn một ngày, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Nam vẫn không đủ thời gian để lãnh đạo ngành hữu quan trả lời thỏa đáng ngay tại kỳ họp.
Dân lo hạn, lo sinh kế vùng tái định cư thủy điện
Một đại biểu đại diện cho cử tri huyện Duy Xuyên chất vấn: biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nông dân. Ngành nông nghiệp đã có phương án tận dụng nguồn nước ngầm chưa, kế hoạch ra sao phương án phòng chống hạn hán và hướng chỉ đạo? Nêu dự báo bất lợi trong những năm tới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Giám đốc Sở NN - PTNN Nguyễn Thanh Quang kêu gọi: toàn dân ta phải chung tay, có ý thức trách nhiệm tiết kiệm nước, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Và cho biết: ngành nông nghiệp kiến nghị tỉnh bố trí nguồn kinh phí lớn hơn để hỗ trợ cho các địa phương chống hạn, cụ thể ra sao Sở NN - PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.
Về quy hoạch lại đất rừng, Giám đốc Sở NN - PTNN cho hay: năm 2007, tỉnh tiến hành quy hoạch xác định 3 loại rừng trên địa bàn. Theo quy định thì 5 năm sẽ tiến hành công tác quy hoạch xác định 3 loại rừng một lần, tuy nhiên công tác quy hoạch xác định 3 loại rừng thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho các địa phương. “Do khó khăn về kinh phí, năng lực chuyên môn và ràng buộc nhiều quy định nên công tác xác định lại 3 loại rừng trên địa bàn đang được triển khai nhưng có phần chậm. Ngành nông nghiệp tỉnh quyết tâm sẽ thực hiện xong công tác quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch đất trồng cây cao su vào tháng 3.2013 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt” - ông Quang hứa.
Làm rõ hơn vấn đề, đại biểu Nguyễn Bằng tiếp tục hỏi: tháng 3.2013 quy hoạch xong 3 loại rừng, quy hoạch đất trồng cao su nhưng phải mất vài năm nữa mới triển khai trồng cao su, vậy phải xử lý mặt bằng kỹ thuật như thế nào? Có phải đi khảo sát, đánh giá lại chất lượng rừng, vì khi ấy rừng đã phát triển nên chất lượng rừng không còn đúng với quy hoạch ban đầu? Lý giải: cây cao su được đánh giá là cây thoát nghèo cho miền núi, quy hoạch xong sẽ không thể trồng được ngay, ông Quang ghi nhận: nếu qua đánh giá rừng phát triển mạnh thì cũng cần xây dựng phương án bảo vệ.
Giám đốc Sở NN - PTNN cũng thừa nhận phản ánh của cử tri về việc chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường thiệt hại, giải quyết đất sản xuất, vấn đề sinh kế bền vững cho các hộ dân bị di dời, đầu tư các công trình hạ tầng tại các khu tái định cư của các dự án thủy điện là đúng. Và thông tin: cuộc làm việc mới đây giữa Tỉnh ủy, UBND tỉnh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thống nhất các phương án hỗ trợ, nâng cấp sửa chữa các hạng mục công trình bị xuống cấp tại các khu tái định cư thủy điện. Tỉnh cũng đã giao cho các địa phương có dự án thủy điện khảo sát, đánh giá, lập tờ trình báo cáo UBND tỉnh để tiếp tục có hướng tháo gỡ, khắc phục những tồn tại, vướng mắc; công tác sắp xếp lại dân cư ở các vùng bị ảnh hưởng, các đề án đầu tư phát triển cho miền núi đang được triển khai thực hiện... Khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư - ông Quang thừa nhận.
Sớm giải quyết những tồn tại trong ngành Điện
Cử tri nhiều địa phương bức xúc trước tình trạng: ngành điện nhận bàn giao lưới điện nông thôn đến nay đã quá lâu nhưng vẫn chậm tiến hành hoàn trả vốn cho các đơn vị bàn giao. Đồng thời, sau khi được bàn giao ngành điện chậm thực hiện đầu tư, nâng cấp mạng lưới truyền tải điện ở khu vực nông thôn; nhiều nơi, tình trạng người dân phải kéo điện xa, điện áp thấp, không ổn định vẫn còn khá phổ biến.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Quang Thử: việc chậm hoàn trả vốn cho các đơn vị bàn giao xuất phát từ khâu thủ tục tiến hành chậm ở các địa phương. Ngành điện đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực phương án hoàn trả theo cách xong thủ tục đến đâu, trả tiền đến đó. Tuy nhiên, ông Thử cũng cho biết: trong tổng số 9,5 tỷ đồng ngành điện Quảng Nam phải chi trả đến nay đã thực hiện cơ bản, chỉ còn gần 700 triệu đồng chưa chi trả cho 14 đơn vị. Việc chậm đầu tư lưới điện nông thôn do tổng nguồn đầu tư quá lớn, hơn 1.000 tỷ đồng, điện lực Quảng Nam đang đề nghị cấp trên phê duyệt.
Không đồng tình với cách trả lời của đại diện ngành công thương, các đại biểu truy vấn: vấn đề tồn tại đã lâu, ngành điện luôn đổ lỗi cho các quy trình, thủ tục. Chủ trì kỳ họp - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ cũng đề nghị ngành công thương cần sớm giải quyết các vấn đề đại biểu kiến nghị, không thể để mãi những tồn tại từ năm này sang năm khác.
Xem xét lại các kết luận thanh tra
Trước chất vấn của đại biểu về tỷ lệ xử lý vụ việc sau kết luận thanh tra ngày càng thấp, Chánh thanh tra Phan Việt Cường lại cho rằng: con số vụ việc báo cáo đến nay chưa được cập nhật nhưng trên thực tế số tiền kiến nghị thu hồi cũng như xử lý vụ việc cao hơn nhiều, trong đó có hơn 19 tỷ đồng kiến nghị UBND tỉnh thu hồi vừa có quyết định... Vì vậy, các đại biểu không đồng tình và cho rằng các giải pháp cụ thể, thể hiện nỗ lực riêng của ngành Thanh tra trong việc thực hiện kết luận sau thanh tra vẫn còn chung chung, tỷ lệ thu hồi tài sản sai phạm sau thanh tra đạt thấp nhưng chưa được chỉ đạo kịp thời, chưa có biện pháp xử lý tích cực, kiên quyết.
Trước truy vấn của đại biểu, Chánh thanh tra tiếp tục lý giải: một số tổ chức, cá nhân vi phạm chưa chấp hành nghiêm các quyết định sau thanh tra, một số quy định về phong tỏa tài khoản của đối tượng vi phạm chưa có sự thống nhất phối hợp từ Thanh tra Chính phủ và NHNN Trung ương. Nhiều vụ việc, Thanh tra tỉnh gửi văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp giải quyết nhưng không có kết quả. “Chúng tôi có bộ phận đôn đốc, theo dõi kết luận sau thanh tra nhưng hiệu quả không cao. Trách nhiệm lớn thuộc về chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước... Nhiều vụ việc gần như dẫm chân tại chỗ, có vụ hàng chục năm nay vẫn còn theo dõi, đôn đốc thu đến nay chưa xong...”.
Về câu hỏi: đã phát hiện tham nhũng ở lĩnh vực đăng kiểm và các lĩnh vực khác hay không, ông Cường cũng cho biết chưa thực hiện điều tra xã hội học để nắm thông tin. Ngành đăng kiểm có tiêu cực hay không chưa phát hiện, và Thanh tra tỉnh cũng chưa có thông tin từ cá nhân hay cơ quan nào phát hiện, tố giác. “Trả lời câu hỏi này, nên hỏi lãnh đạo ngành giao thông - vận tải” – ông Cường chuyển hướng.
Chưa thỏa đáng với phần giải trình, đại biểu cho rằng cần xem lại các kết luận thanh tra, nếu kết luận chính xác thì phải thực thi, đối tượng chây ỳ thì chuyển sang truy tố để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật...
Không để tình trạng đất hoang kéo dài nhiều năm
Đại biểu Hà Phước Trinh và nhiều cử tri huyện Quế Sơn chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Dương Chí Công về việc chậm thu hồi đất của Công ty Mía đường Quảng Nam quản lý (do công ty phá sản) giao cho UBND xã Quế Cường, huyện Quế Sơn quản lý nhưng đến nay đã qua 5 năm vẫn chưa thu hồi được, đất bỏ hoang... nhưng Công ty Cửa Việt - đơn vị trúng đấu giá mua tài sản quản lý không chịu giao đất. Là cơ quan được giao nhiệm vụ xử lý, trách nhiệm của Sở TN - MT đến đâu?
Ông Công lý giải: do kinh doanh không hiệu quả nên Công ty Mía đường Quảng Nam có đơn xin mở thủ tục phá sản, thanh lý tài sản, TAND tỉnh có quyết định thu hồi đất của Công ty. Do thủ tục đấu giá không rõ, Công ty Cửa Việt trúng thầu sau đó cũng đã khiếu nại về tính toán giá trị tài sản, về tài sản định giá... Nhiều lần đoàn Thanh tra Sở TN - MT đến làm việc nhưng không được hợp tác. Do đây là doanh nghiệp Trung ương nên việc giải quyết hậu quả có nhiều khó khăn. Không đồng tình với cách trả lời lòng vòng, không rõ trách nhiệm, đại biểu Bùi Quốc Đinh yêu cầu: nếu không xử lý được, phải tham mưu cho UBND tỉnh xử lý, không để tình trạng đất hoang kéo dài nhiều năm, gây bức xúc dư luận.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn dù được bố trí nhiều thời gian, nhưng do số lượng câu hỏi chất vấn gửi về nhiều nhất từ trước đến nay nên vẫn không đủ để lãnh đạo ngành hữu quan trả lời, vì vậy có những vấn đề chưa được làm rõ ngay tại kỳ họp.