Theo đó, dự luật đưa ra một số nguyên tắc trong thử nghiệm như: tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành ngoại trừ các nội dung được cho phép thực hiện thử nghiệm; thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới có rủi ro thấp đối với người sử dụng và thị trường; có tính đổi mới, mang lại giá trị mới; có khả năng mở rộng sau khi thử nghiệm; bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, bình đẳng; giám sát chặt chẽ, thường xuyên (tăng cường chuyển đổi số, giám sát online); có cơ chế quản lý dữ liệu thử nghiệm; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm an ninh và bảo mật dữ liệu cá nhân; kết quả thử nghiệm là cơ sở để xem xét, quyết định đưa vào ứng dụng chính thức và hoàn thiện pháp lý.
Dự thảo Luật cũng quy định về thẩm quyền cho phép thử nghiệm theo hướng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh các địa phương, các bộ, ngành; trong một số trường hợp cần thiết, liên ngành thì mới trình Thủ tướng Chính phủ; quy định về miễn trừ trách nhiệm...
Các quy định tại dự thảo Luật được đánh giá là cũng rất phù hợp với hiện tại, song từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn đặt ra hai vấn đề: Một là, dự thảo Luật hiện chỉ cho phép các sản phẩm có rủi ro thấp tham gia cơ chế thử nghiệm. "Nếu đã rủi ro thấp thì liệu có cần thử nghiệm nữa hay không? Nếu rủi ro thấp thì liệu có nên mở rộng hay không?”. Hai là, cơ quan cấp phép thử nghiệm. Bản chất của thử nghiệm chính sách là xem quy định quản lý như vậy đã phù hợp hay chưa? Dự luật thiết kế phân cấp, phân quyền cho UBND tỉnh cấp phép thì đến lúc thử nghiệm xong ai sẽ là người ban hành chính sách? “UBND tỉnh không phải là cơ quan ban hành chính sách nên nếu thiết kế là UBND tỉnh thì về mặt thông tin, về mặt thẩm quyền cũng sẽ khó. Liệu khi kết thúc thử nghiệm thì ai sẽ giám sát, ai sẽ đánh giá, ai sẽ ban hành chính sách? Liệu có nên nghiên cứu cơ chế Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò cơ quan một cửa để doanh nghiệp nộp đơn xin phép thử nghiệm, những kết quả này có thể chuyển tải đến cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách hay không, vì nếu giao cho UBND tỉnh thì sẽ khó”, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.
Ở góc nhìn toàn diện hơn, với mong muốn hoàn thiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để áp dụng chung, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng chỉ ra một số vấn đề quan trọng cần làm rõ. Theo đó, cần xác định rõ quan điểm thiết kế quy định quản lý cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là “thúc đẩy phát triển việc áp dụng cơ chế này và có biện pháp quản lý thích hợp hay là cho phép áp dụng cơ chế này khi đáp ứng đủ các điều kiện và quản lý chặt chẽ các rủi ro”.
Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ các yêu cầu đối với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát như: xác định được lợi ích rõ ràng - là cơ sở để đánh giá các rủi ro có thể có; xác định rõ nhu cầu thử nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn trong các quy định pháp luật; xác định rõ các giới hạn thử nghiệm và có cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng...
Cùng với đó, cần giải trình rõ phạm vi áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; bổ sung các điều kiện cần thiết thông tin và đề xuất các sản phẩm dịch vụ công nghệ số trọng yếu, trọng điểm cần được áp dụng chính sách ưu đãi, thử nghiệm và bổ sung mục tiêu triển khai cơ chế thử nghiệm tương ứng... Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, về phạm vi, mức độ điều chỉnh cần hết sức thận trọng, bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhất là đối tượng người tiêu dùng...
Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là dự luật vô cùng khó và vô cùng phức tạp bởi tính chất chuyên sâu, mới, điều chỉnh một lĩnh vực có sự thay đổi, biến động hết sức nhanh chóng do tác động như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong trong việc xem xét, ban hành một đạo luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Nếu chính sách nói chung và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nói riêng đối với công nghiệp công nghệ số không thực sự đột phá thì sẽ khó đạt được các mục tiêu xây dựng Luật như Chính phủ đã nêu, nhưng đột phá cũng sẽ đi kèm các rủi ro và đột phá càng lớn thì nguy cơ, rủi ro có thể cũng sẽ càng lớn. Vì thế, cởi mở hơn, đột phá hơn nhưng đồng thời cũng phải dự lường để có thể kiểm soát được các nguy cơ, rủi ro ở mức thấp nhất chính là mong muốn, cũng là yêu cầu phải đạt được của Luật Công nghiệp công nghệ số.