Không đồng nhất sân bay chuyên dùng với sân bay dân dụng

Minh Vân lược ghi 04/06/2014 16:30

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, một số ý kiến cho rằng, từ thực tiễn triển khai thực hiện luật và đặt hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì một số quy định của dự án luật cần được cân nhắc để lựa chọn phương án phù hợp nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh của đất nước…

ĐBQH Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên): Nên sửa đổi Khoản 6, Điều 49…

Khoản 6, Điều 49 dự thảo luật quy định Bộ Giao thông - Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dụng, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Thứ nhất, sân bay chuyên dụng bao gồm các sân bay ngắn, hẹp, sân đỗ trực thăng, đường cất cánh, hạ cánh bằng đất, bằng ghi sắt, dải bay trên mặt nước... theo Quyết định số 911 ngày 24 tháng 10 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng tại Điểm c, Mục 3, Điều 1 như sau: Bộ Quốc phòng quản lý các sân bay quân sự, các bãi hạ cánh dự bị, quản lý chính các sân bay chuyên dùng chủ yếu hoạt động quân sự, quản lý bầu trời, lập sổ đăng ký, đăng bạ, các sân bay quân sự, các sân bay dùng chung chủ yếu hoạt động quân sự, bãi hạ cánh và các đoạn quốc lộ là điểm cất cánh, hạ cánh. Cho đến nay quyết định này vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN
Hai, về chức năng, sân bay chuyên dùng chủ yếu là phục vụ hoạt động của các tàu bay cỡ nhỏ, siêu nhẹ, trực thăng từ phi cơ, máy bay thể thao, máy bay không người lái... Các loại máy bay này thường ngay ngoài khu vực đường hàng không và bay ở độ cao rất thấp, ngoài tầm kiểm soát của radar hàng không dân dụng Việt Nam phục vụ các hoạt động bay đặc biệt bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh như cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống lụt, bão, phòng, chống cháy rừng, hoạt động dầu khí.

Ba, để thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của các sân bay chuyên dùng, từ trước tới nay Bộ Quốc phòng đã phải tổ chức như sau: giao cho Quân chủng Phòng không, không quân chủ trì phối hợp với các quân khu, quân chủng, bộ đội biên phòng và các đơn vị trong toàn quân để quản lý hoạt động bay. Dựa trên hệ thống thông báo, dự báo bay radar tần thấp, quan sát bằng mắt của các đơn vị trong toàn quân để bảo đảm quản lý vùng trời một cách chặt chẽ thường xuyên không để bị động bất ngờ. Khi có hoặc không có nhu cầu sử dụng sân bay chuyên dùng cho hoạt động quân sự hoặc hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét cho phép thiết lập đóng cửa hoặc hủy bỏ hoạt động của sân bay. Vì vậy, việc quản lý sân bay chuyên dùng là vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Cần phải quản lý rất chặt chẽ hoạt động có điều kiện như đã làm từ trước tới nay.

Bốn, xuất phát từ những đánh giá phân tích trên, tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Khoản 6, Điều 49 như sau: "Bộ Quốc phòng quyết định việc lập, mở, đóng, hủy bỏ sân bay chuyên dùng khi các đơn vị quản lý khai thác hàng không có nhu cầu khai thác sân bay chuyên dùng cho các hoạt động hàng không ở địa điểm nào phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng".
 
ĐBQH Lê Việt Trường (An Giang): Cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp nhất  

Từ thực tiễn triển khai thực hiện luật và đặt hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôi nhận thấy một số quy định của dự án luật cần được cân nhắc để lựa chọn được phương án phù hợp nhất nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực, phát huy tính chủ động, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh của đất nước.

Trong những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này, tôi quan tâm một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Quốc phòng mà Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy còn có ý kiến khác nhau. Những vấn đề đó cụ thể là thẩm quyền quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng Khoản 6, Điều 49; về thẩm quyền quản lý chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không Khoản 5, Điều 92. Cả 2 thẩm quyền trên dự thảo luật dự kiến giao cho Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì và Bộ Quốc phòng phối hợp thực hiện. Tôi cho rằng nếu tiếp cận từ góc độ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì những quy định này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề này trong mối quan hệ và yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế thì rất cần được QH cân nhắc.

Trước hết là việc quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng, thực hiện Luật Quốc phòng và các quy định của pháp luật có liên quan Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và các phương án tác chiến phòng thủ đất nước trên đất liền, trên không và trên biển. Xây dựng quy hoạch quản lý đất sử dụng vào mục đích quốc phòng theo Luật Đất đai. Việc xem xét quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sao cho không ảnh hưởng đến yêu cầu bảo đảm bí mật quân sự, bảo đảm các hoạt động bình thường của các kế hoạch chiến lược cũng như các phương án tác chiến, phòng thủ đất nước là vấn đề rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay khi các phương tiện camera phát triển rất hiện đại, với việc hoạt động của sân bay chuyên dùng ở độ cao thấp thì những thế bố trí của phương án tác chiến của Bộ Quốc phòng rất có thể sẽ không bảo đảm giữ được bí mật. Trong những trường hợp cần thiết phải cân nhắc giữa yêu cầu quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và các yêu cầu của các lĩnh vực khác, tôi cho rằng nên dành sự ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng.

Về chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, hiện nay đa số các sân bay đang khai thác của nước ta đều là sân bay lưỡng dụng, bảo đảm cho hàng không dân dụng và không quân nhân dân Việt Nam. Chắc chắn tình hình này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa, vì việc đầu tư xây dựng sân bay hàng không dân dụng riêng rất tốn kém. Hơn nữa, việc sử dụng đồng thời một sân bay cho hai mục đích sẽ nâng cao hiệu quả sư dụng cơ sở vật chất trong điều kiện nước ta còn nghèo… Do đó nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng lần này giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì trong việc xem xét chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không có sự phối hợp của Bộ Giao thông - Vận tải là phương án hợp lý nhất.
 
ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng): Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không là cơ quan nào?

Đây là một đạo luật chuyên ngành có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn, do đó đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một điều luật để giải thích các khái niệm từ ngữ, thuật ngữ chuyên ngành cũng như liên quan đến chuyên ngành hàng không như vùng thông báo bay, nhà chức trách hàng không, tàu bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không, sổ đăng bạ tàu bay... để các điều luật dễ hiểu, thuận tiện cho việc thi hành.

Về quy định nhà chức trách hàng không, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải là nhà chức trách hàng không. Cơ quan này có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể nào là nhà chức trách hàng không của Việt Nam chưa rõ ràng, có văn bản xác định nhà chức trách hàng không của Việt Nam là Cục hàng không Việt Nam, có văn bản xác định là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải. Có văn bản lại xác định là Cục hàng không Việt Nam hoặc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được chỉ định. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trong dự thảo luật khái niệm nhà chức trách hàng không và quy định cụ thể hơn nhà chức trách hàng không là Cục hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh hàng không, Điều 191 đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định ngay trong luật những trường hợp được miễn kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch, phân định rõ chức năng bảo đảm an ninh, an toàn tại cảng hàng không, sân bay của cảng vụ và các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng hàng không. Cần có quy định riêng đối với cơ quan chuyên ngành về an ninh hàng không, bổ sung một khoản riêng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an trong việc bảo vệ an ninh hàng không.
 
ĐBQH Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh): Không thể đồng nhất sân bay chuyên dùng với sân bay dân dụng

Điều 49, Khoản 6 trong sửa đổi, bổ sung có ghi: Bộ Giao thông - Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng. Theo tôi, cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung Khoản 6, Điều 49 của dự thảo luật là không cần thiết bởi vì theo giải thích ở Khoản 2, Điều 47 Luật Hàng không dân dụng năm 2006, sân bay chuyên dùng là sân bay chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hàng hóa không phải là vận chuyển công cộng, sân bay chuyên dùng xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của tổ chức, cá nhân phục vụ cho mục đích riêng như bệnh viện, sân golf, giàn khoan, nhà cao tầng hoặc bãi đáp tạm thời cho các chuyến bay khi thực hiện hoạt động hàng không chung không ảnh hưởng đến hệ thống quy hoạch mạng cảng hàng không sân bay toàn quốc. Hoạt động của sân bay chuyên dùng liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh, quốc phòng, quản lý, bảo vệ vùng trời của Bộ Quốc phòng. Trong khi đó Điều 1 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã xác định điều này và Điều 6 của Nghị định 36 năm 2008 của Chính phủ cũng đã quy định về nội dung này. Do vậy tôi cho rằng không thể đồng nhất sân bay chuyên dùng với sân bay dân dụng. Sân bay chuyên dùng cũng không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khai thác sử dụng sân bay hàng không dân dụng. Dự thảo luật không cần bổ sung quy định thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải quyết định việc mở, đóng sân bay chuyên dùng, trên cơ sở có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Quốc phòng hay nói cách khác việc bổ sung Khoản 6, Điều 49 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung là không cần thiết nên giữ nguyên như Luật Hàng không dân dụng năm 2006.

Đối với việc quản lý chướng ngại vật và quản lý độ cao công trình tại Khoản 5, Điều 49, theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện nay các sân bay của Việt Nam hầu hết là sân bay dùng chung giữa sân bay dân dụng và quân sự nên việc quản lý chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật không phải do 2 cơ quan là Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc quản lý chấp thuận độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không là hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn, an ninh quốc phòng, quản lý, bảo vệ vùng trời của Tổ quốc của Bộ Quốc phòng. Việc giao cho Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì trong công tác quản lý chướng ngại vật hàng không là chưa hợp lý. Theo tôi, nên tính toán cân nhắc giao cho Bộ Quốc phòng bảo đảm thống nhất sử dụng ở vùng trời ở Điều 79…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không đồng nhất sân bay chuyên dùng với sân bay dân dụng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO