Không để thời gian lãng phí

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 06:50 - Chia sẻ
Chỉ vài giờ sau khi nhiệm kỳ của mình bắt đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược một số chính sách chính “gây thiệt hại nặng nề nhất” của chính quyền tiền nhiệm, trong đó có việc tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, kết thúc quá trình rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay hủy bỏ cái gọi là "lệnh cấm Hồi giáo”…

Hãng tin Al Jazeera cho biết, phát biểu với phóng viên tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh “không có thời gian để lãng phí” và “một số sắc lệnh hành pháp mà tôi ký hôm nay sẽ giúp thay đổi tiến trình của cuộc khủng hoảng Covid-19, chống lại biến đổi khí hậu theo cách mà chúng ta chưa làm, nâng cao bình đẳng chủng tộc và hỗ trợ các cộng đồng khác chưa được quan tâm đúng mức”.

Dưới đây là một số hoạt động điều hành đầu tiên của ông Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ:

	Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Hủy bỏ “lệnh cấm Hồi giáo”

Tổng thống Joe Biden quyết định hủy bỏ cái gọi là “lệnh cấm Hồi giáo”, một lệnh hành pháp được cựu Tổng thống Donald Trump ký năm 2017 cấm du khách từ 7 quốc gia đa số theo đạo Hồi vào Mỹ. Lệnh cấm trên đã được thay đổi nhiều lần giữa những thách thức pháp lý và cuối cùng được Tòa án Tối cao Mỹ tán thành vào năm 2018.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden đã chấm dứt lệnh cấm Hồi giáo, một chính sách bắt nguồn từ sự thù ghét tôn giáo và bài ngoại”. Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo hoan nghênh quyết định trên là “bước quan trọng đầu tiên nhằm hủy bỏ các chính sách chống Hồi giáo và chống nhập cư của chính quyền trước đó”. Giám đốc điều hành của tổ chức trên, ông Nihad Awad nhận định: “Đây là sự hoàn thành cam kết chiến dịch đối với cộng đồng Hồi giáo và các đồng minh”.

Trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Tổng thống Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ lại trở thành một bên của thỏa thuận khí hậu Paris. Nhóm nghiên cứu của ông cho biết, động thái tái gia nhập hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký gửi lên Liên Hợp Quốc (LHQ).

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới rút khỏi hiệp định trên, động thái làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và các đồng minh ở châu Âu cũng như hứng chịu sự chỉ trích rộng rãi từ các nhóm nhân quyền và môi trường.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo của hơn 170 quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C, trên mức tiền công nghiệp vào năm 2100. Mức tăng lý tưởng nhất của Hiệp định này là giữ ở mức 1,5 độ C.

Yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc

Tổng thống Biden chính thức khởi động “Thử thách 100 ngày đeo khẩu trang”, yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang trong tất cả các tòa nhà liên bang của Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của chính quyền mới nhằm cố gắng kiềm chế sự lây lan của Covid-19.

Sắc lệnh yêu cầu người Mỹ thực hiện “nghĩa vụ yêu nước và đeo khẩu trang trong 100 ngày”, có điều phối viên về ứng phó với Covid-19. Người này sẽ báo cáo trực tiếp với tổng thống và giúp điều phối phản ứng thống nhất của quốc gia đối với đại dịch đang bùng phát.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Psaki cho biết, “điều này sẽ củng cố nỗ lực của chúng tôi trong kiểm soát đại dịch bằng cách cải thiện sức khỏe toàn cầu”; cho biết thêm, TS. Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm, một trong những chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, sẽ tham gia cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này “với tư cách người đứng đầu phái đoàn Mỹ”.

Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ ngay lập tức hoan nghênh lệnh đeo khẩu trang bắt buộc, cho rằng “mệnh lệnh của Tổng thống đến vào thời điểm quan trọng, khi vaccine ngừa Covid-19, cũng như kế hoạch đẩy nhanh triển khai tiêm chủng mang lại hy vọng mới, nhưng cũng là lúc các biến thể dễ lây truyền của virus đặt ra nhiều thách thức mới”.

Tái gia nhập WHO

Tổng thống Biden đang ngăn chặn kế hoạch rút khỏi WHO của người tiền nhiệm. Chính quyền của ông Donald Trump vào tháng 7 năm ngoái đã thông báo với Quốc hội và Liên Hợp Quốc rằng Mỹ sẽ chính thức rút khỏi WHO. Quyết định sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới.

Ông Donald Trump lúc đó biện minh cho quyết định của mình bằng cách đổ lỗi cho WHO là “không thực hiện được các cải cách khẩn thiết theo yêu cầu”, đồng thời cáo buộc cơ quan này giúp Trung Quốc che đậy nguồn gốc của loại virus Corona chủng mới.

Ngược lại, chính quyền Biden - Harris dự kiến sẽ tham gia cuộc họp của ban điều hành WHO diễn ra trong tuần này. Giám đốc điều hành lâm thời của Tổ chức Ân xá quốc tế Mỹ Bob Goodfellow hoan nghênh quyết định liên quan đến WHO của Tổng thống Biden là “bước đầu tiên rất cần thiết” trong việc khôi phục mối quan hệ hợp tác của Washington với cộng đồng quốc tế.

Ông cũng kêu gọi tổng thống hỗ trợ chương trình COVAX của WHO, nhằm bảo đảm vaccine Covid-19 được phân phối đồng đều giữa các quốc gia. Ông Goodfellow nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là chính quyền Tổng thống Biden cần dẫn đầu các nỗ lực đa phương nhằm chống lại đại dịch và hỗ trợ, tài trợ cho các nỗ lực vaccine toàn cầu".

Tạm dừng xây tường biên giới

Tổng thống Biden cũng hủy bỏ tuyên bố khẩn cấp quốc gia, vốn được người tiền nhiệm sử dụng để giải thích cho một số chuyển hướng tài trợ nhằm xây dựng bức tường ở biên giới Mỹ - Mexico.

Đội ngũ của Tổng thống Biden hôm thứ Tư cho biết, sắc lệnh mới của tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ chỉ đạo “tạm dừng ngay lập tức” việc xây dựng để xem xét các phương pháp tài trợ và hợp đồng được sử dụng.

Được biết, việc xây dựng bức tường “lớn” và “đẹp” giữa Mỹ và Mexico để chặn người nhập cư bất hợp pháp vào xứ sở cờ hoa là một trong những lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.

Thu hồi phê duyệt đường ống Keystone

Tổng thống Joe Biden cũng thu hồi giấy phép cấp cho đường ống Keystone XL trị giá hàng tỷ USD. Đây là dự án năng lượng gây tranh cãi suốt 12 năm qua, dự kiến vận chuyển 830.000 thùng dầu mỗi ngày giữa tỉnh Alberta của Canada và bang Nebraska của Mỹ.

Đường ống Keystone XL từng bị chính quyền Tổng thống Obama hủy bỏ năm 2015, nhưng đã được chính quyền Donald Trump cho phép xây dựng vào năm 2017. Nhiều ý kiến trong đảng Dân chủ cho rằng, Keystone XL sẽ khuyến khích hoạt động khai thác cát dầu của Canada, không phù hợp với kế hoạch giảm lượng khí thải carbon.

Canada cho biết vẫn cam kết với dự án, bày tỏ sự “thất vọng” về quyết định hành pháp mới đây của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, luật sư Matthew Campbell tại Quỹ Về các quyền của người Mỹ bản địa nói rằng, quyết định của Tổng thống Biden là “sự minh oan” cho các cộng đồng người bản địa phản đối kế hoạch này.

Củng cố chương trình DACA

Năm 2012, trong thời gian ông Biden còn đang giữ chức Phó Tổng thống trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thông qua Chương trình DACA, giúp cung cấp các biện pháp cứu trợ tạm thời khỏi việc bị trục xuất đối với những di dân bất hợp pháp tới Mỹ lúc còn nhỏ. Sau đó, chính quyền của ông Trump từng cố gắng chấm dứt chương trình này, vốn có tới 700.000 thanh niên đã nộp đơn xin cứu trợ.  

Vì vậy, trong bản ghi nhớ được ký ngay sau lễ nhậm chức, ông Biden đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, với sự tham vấn của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, phải bảo đảm DACA được duy trì và củng cố. Bản ghi nhớ cũng kêu gọi Quốc hội ban hành luật giúp những người thuộc diện trên có cơ hội thường trú, trở thành công dân Mỹ.

Linh Anh