Không để “nhờn” luật

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:02 - Chia sẻ
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa có ý kiến chỉ đạo công tác thi hành án hành chính năm 2021. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chỉ đạo này cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ nhằm chấn chỉnh tình trạng “nợ đọng” thi hành án hành chính - vấn đề gây bức xúc trong cử tri, Nhân dân và dư luận thời gian qua.

Theo quy định, bản án có hiệu lực thì phải được thi hành. Tuy nhiên, không ít bản án, quyết định hành chính dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng những đối tượng phải thi hành án vẫn cố tình phớt lờ quy định này. Điều đáng nói là, điểm “nghẽn” thi hành án hành chính đã tồn tại trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, bởi còn tâm lý nể nang.

Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2020 gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV cũng nhận định, bên cạnh những quả đạt được, tỷ lệ thi hành án hành chính xong vẫn đạt thấp so với yêu cầu (đạt 43,73%). Điều này được lý giải bởi do một số cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước - bên phải thi hành án chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu trong việc thi hành án hành chính. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý, trong khi thi hành án hành chính vẫn là cơ chế “tự thi hành”.

Và tình trạng “nợ đọng” thi hành án hành chính tiếp tục tái diễn ở nhiệm kỳ này. Trong báo cáo thẩm tra về công tác thi hành án gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn thấp (đạt 48,19%). Số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng theo các năm. Còn nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính không tự nguyện thi hành án, Tòa án Nhân dân phải ra quyết định buộc thi hành, trong đó có 325/944 việc Tòa án Nhân dân phải ra quyết định buộc thi hành án.

Đáng nói là, “Cơ quan Thi hành án dân sự đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 67 trường hợp không chấp hành án hành chính, nhưng đến nay các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa xử lý trường hợp nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chấp hành không nghiêm trong thi hành án hành chính”, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh. 

Người phải thi hành án hành chính là các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước. Như vậy, đối tượng buộc phải thi hành án hành chính lẽ ra phải chấp hành, tuân thủ pháp luật để làm gương. Việc các đối tượng cố tình chây ỳ, không thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật không nghiêm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần thượng tôn pháp luật, mà còn giảm niềm tin của người dân vào công lý.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành bản án, quyết định của tòa án. Xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính. Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật...

Trong Nghị quyết số 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án. Khung khổ pháp luật đã có, nhưng tiếc rằng, đến nay vẫn chưa có cá nhân, cơ quan nào bị xử lý vì chậm thi hành, không thi hành bản án hành chính.

Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ở lần “ra quân” này, sẽ rõ được địa chỉ, rõ được chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm, cố tình không thi hành bản án hành chính. Không thể để tình trạng “nhờn” luật tái diễn.  

Hà An