Không để dịch lây lan vào khu công nghiệp

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:07 - Chia sẻ
Để bảo đảm an toàn và phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước đã yêu cầu người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chủ động khai báo y tế trung thực trước khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chấp hành nghiêm yêu cầu khai báo y tế

Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp và 30 cụm công nghiệp, do vậy sau Tết, dự kiến số lượng công nhân trở lại địa bàn tỉnh rất lớn. Xác định chống dịch không để ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh, ngày 16.2, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra công văn chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công nhân khi trở lại địa bàn tỉnh làm việc sau Tết. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách người lao động từ các vùng dịch trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng tạm dừng tiếp nhận các công nhân từ tỉnh Hải Dương; chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 bằng phương pháp PCR.

Người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu khai báo y tế.
Người lao động thực hiện nghiêm yêu cầu khai báo y tế.

Phường Vân Dương, TP Bắc Ninh - nơi có rất đông công nhân ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc, theo ghi nhận của phóng viên, tại Trạm y tế phường có nhiều công nhân ngoại tỉnh đến khai báo y tế. Chị Nguyễn Lan Dung, công nhân Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh cho biết: Tết Nguyên đán vừa qua chị về quê Tuyên Quang. Dù Tuyên Quang là địa phương không có dịch nhưng chấp hành nghiêm quy định khai báo y tế chị đến Trạm y tế khai báo y tế theo đúng quy định. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Trạm Y tế phường Vân Dương, TP Bắc Ninh cho biết: "Từ ngày mùng 2 Tết, Trạm Y tế phường đã tiếp nhận hơn 300 trường hợp quay trở lại làm việc đến khai báo y tế. Ngoài ra chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền để người dân khai báo trực tuyến trên phần mềm NCOVI. Đối với các trường hợp công dân khai báo y tế qua phần mềm, cán bộ y tế phường cũng tổ chức xác minh, điều tra dịch tễ nghiêm ngặt".

Còn tại Bắc Giang, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có khu, cụm công nghiệp, nhà ở của công nhân thành lập tổ hướng dẫn khai báo y tế bắt buộc bằng giấy cho toàn bộ công nhân từ các địa phương khác quay trở lại tỉnh Bắc Giang làm việc sau kỳ nghỉ Tết ở tại nơi tạm trú, nhà trọ của công nhân trên địa bàn. Đối với những người ở tỉnh khác nhưng không về Tết vẫn ở lại tại khu nhà trọ thì thực hiện khai báo y tế điện tử trên phần mềm NCOVI. Ngành y tế tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngẫu nhiên khoảng 10% số công nhân trong một khu vực nhà ở để tầm soát. Tỉnh vận động, khuyến khích các chuyên gia, phiên dịch, lái xe cho chuyên gia triển khai xét nghiệm tự nguyện có trả phí trước khi quay trở lại doanh nghiệp để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Giao trách nhiệm cho chủ doanh nghiệp

Tại Hà Nội, đến thời điểm này, mới có khoảng 80% người lao động quay trở lại làm việc (thấp hơn con số 95% của năm ngoái), do một số người bị kẹt lại ở khu vực bị phong tỏa tại các địa phương. Để phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong khu công nghiệp, Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, trách nhiệm phòng, chống dịch đã được giao cho lãnh đạo các doanh nghiệp với các yêu cầu cụ thể.

Ở TP Hồ Chí Minh, ngày 17.2, đã có khoảng 50% công nhân, lao động về quê trở lại TP Hồ Chí Minh, nhưng đa số đi làm chính thức từ ngày 19.2 (mùng 8 tết). Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Tuấn cho biết, Ban Quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp phải triển khai cho nhân viên khai báo y tế theo thông tin cập nhật trên trang thông tin điện tử của HCDC. Khi có nhân viên đến từ các vùng dịch, cần cách ly, giám sát y tế theo hướng dẫn của HCDC, thông báo ngay cho trung tâm y tế quận - huyện để phối hợp xử lý. Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đề nghị doanh nghiệp phối hợp công đoàn cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; yêu cầu người lao động cung cấp lịch trình di chuyển trong thời gian về quê đón tết.

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, đa số đến từ tỉnh khác. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, ngày 17.2 (mùng 6 Tết Âm lịch), các hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã trở lại bình thường.  Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư tập trung, các chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ, từng tổ dân phố/ấp phải quản lý chặt người lao động, dân cư. UBND tỉnh yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với người lao động đến từ các nơi (sau Tết Nguyên đán Tân Sửu), nhất là đến từ các địa phương, vùng có dịch, đi qua vùng dịch… nhằm quản lý tốt tình hình, sức khỏe của người dân một cách chủ động. Đối với công nhân lao động, Ban Quản lý khu công nghiệp sẽ trực tiếp chỉ đạo các công ty, nhà máy phối hợp với Trung tâm y tế tổ chức khai báo y tế, phân loại các đối tượng về từ vùng dịch và lấy mẫu xét nghiệm.

“Việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm là nghĩa vụ không chỉ vì bản thân mà còn vì mọi người xung quanh. Tôi có trách nhiệm phải trung thực và chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch để góp phần nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh”, anh Dương Tuấn Anh, trú tại Hoàng Mai (Hà Nội), quê huyện Ninh Giang, Hải Dương chia sẻ.

 

Bài và ảnh: Xuân Mai