Không để chủ mỏ trốn tránh trách nhiệm
Mặc dù quy định về việc đơn vị khai thác khoáng sản phải có biện pháp phòng ngừa cũng như thực hiện các yêu cầu bảo vệ, cải tạo phục hồi môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản... Tuy vậy, không ít đơn vị khai khoáng đã trốn tránh trách nhiệm trên, gây không ít hệ lụy và bức xúc cho người dân địa phương.
Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định, doanh nghiệp sau khi được cấp quyền khai thác phải cam kết hoàn thổ mỏ, cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, trước khi được cấp phép khai thác, các chủ mỏ phải ký một khoản quỹ nhất định để “ràng buộc” về mặt tài chính lẫn trách nhiệm cho công tác hoàn thổ mỏ sau này. Mặt khác, trong các đề án xin cấp phép khai thác, phương án hoàn thổ cải tạo môi trường cũng đã được đưa vào để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền.
Quy định là vậy, nhưng nhiều chủ mỏ vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm sau khi đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong phạm vi đã được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều này đã khiến cho nhiều điểm mỏ trở thành cái bẫy chết người đối với người dân địa phương...
Đơn cử tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết hiện có 14 mỏ vẫn chưa thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Nhiều doanh nghiệp phớt lờ công tác phục hồi, cải tạo môi trường, nhất là những mỏ hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát. Kiểm tra thực tế cho thấy, các đơn vị đã dừng hoạt động khai thác, trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tai nạn cao trong mùa mưa bão.
Tương tự tại Bình Định, không ít chủ mỏ thiếu trách nhiệm trong việc bồi hoàn, trả nguyên hiện trạng, hoàn thổ phục hồi môi trường hoạt động khai thác khoáng sản nên gây không ít hệ lụy tới môi trường, đe dọa đến tính mạng người dân. Cụ thể, 6 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Lại Giang qua địa phận xã Hoài Đức và thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn hết thời hạn khai thác theo giấy phép, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đã không thực hiện việc đóng cửa mỏ, hoàn thổ phục hồi môi trường, đất đai...
Gần đây nhất, vụ tại nạn đá lở đè gây chết người tại mỏ đá của Công ty Cổ phẩm khai thác chế biến khoáng sản Thông Đạt (Công ty Thông Đạt) thuộc Thung Bầu tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vừa qua... Tất cả là do đơn vị khai khoáng xây dựng cơ bản mỏ không đúng thiết kế, chưa lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường...
Đối chiếu quy định pháp luật cũng như chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân về việc hoàn thổ, cải tạo, phục hồi nguyên trạng môi trường tại khu vực các điểm mỏ khá đầy đủ. Thậm chí, để bảo vệ môi trường, không ít địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, xử lý ô nhiễm trong quá trình khai thác nghiêm ngặt hơn. Đơn cử như tỉnh Đồng Nai, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các mỏ khai thác đá là phải lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera, theo đó những dữ liệu từ mỏ sẽ được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát). Tuy nhiên những địa phương, doanh nghiệp làm được như Đồng Nai không nhiều.
Để chủ mỏ không trốn tránh trách nhiệm sau khi khai thác tài nguyên, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài ra, người dân cũng cần tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này để tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc về ô nhiễm môi trường và thiệt hại về người do việc khai thác các mỏ gây ra như trong thời gian qua.
Hải Thanh