Chính trị

Không để chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra

Minh Trang 08/05/2025 18:41

Phát biểu tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, có những vấn đề chồng chéo trong hệ thống thanh tra, chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra đã được xử lý trong các điều luật, tuy nhiên cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín đã được tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

pctqh-nguyen-khac-dinh2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại tổ. Ảnh: Hồ Long

Trước đây có thanh tra nhà nước và thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có quy trình, trình tự thủ tục tiến hành khác nhau. Hiện nay, không bỏ thanh tra nào nhưng cũng sẽ không còn khái niệm thanh tra chuyên ngành mà một hệ thống thanh tra sẽ thực hiện cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

“Không bỏ thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính nhưng không có cơ quan riêng để làm thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính mà sẽ tổ chức thành hệ thống các cơ quan thanh tra như quy định tại dự thảo Luật để tổ chức thực hiện.

Do đó, không còn khái niệm thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính mà chỉ có một khái niệm thanh tra. Đồng thời, bất cứ lĩnh vực nào từ y tế, giáo dục, ngân hàng, thuế... đều được thanh tra và thanh tra theo quy trình, trình tự như trước đây, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả cao hơn; được tổ chức lại thống nhất trong một hệ thống thanh tra”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

pctqh-nguyen-khac-dinh3.jpg
Quang cảnh Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên). Ảnh: Hồ Long

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có những vấn đề chồng chéo trong hệ thống thanh tra, chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra đã được xử lý trong các điều luật, tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh, bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra cần bám sát theo đúng tinh thần của Kết luận số 134-KL/TW, bao quát các trường hợp cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

DBQH Trần Thị Thu Hằng (Dak Nông)
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại Điều 17 dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) nhận thấy, điều này chưa có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tại điểm q khoản 1 Điều 38 lại quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn là kiến nghị xử phạt hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất giữa các điều khoản trong dự thảo Luật.

Cho ý kiến về tên cơ quan thanh tra, ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) đề xuất nên quy định là “cơ quan thanh tra khác theo quy định của Chính phủ” thay vì liệt kê, quy định cứng về tên các cơ quan thanh tra trong dự thảo Luật.

Về hành vi nghiêm cấm, tại khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật quy định “không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”. Để bảo đảm tính toàn diện, đại biểu Lại Văn Hoàn cho rằng, cần bổ sung hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra vào các hành vi bị cấm. Bởi, các hành vi này có thể cản trở, tác động làm thay đổi nội dung và kết quả thanh tra.

001.jpg
ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách đối với thanh tra viên, khoản 3 Điều 59 dự thảo Luật quy định các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị bổ sung thêm nội dung vào quy định này theo hướng không chỉ gồm các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra mà các cơ quan thanh tra còn được phép trích từ các khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, đơn cử như số tiền khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường cũng tương đối lớn.

Bên cạnh đó, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác thanh tra trong dự thảo Luật.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không để chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO