Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Không để càng sửa đổi, bổ sung thì tính minh bạch của Luật càng bị hạn chế

- Thứ Bảy, 23/05/2020, 17:28 - Chia sẻ
Chiều 23.5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Dự kỳ họp tại điểm cầu Vĩnh Phúc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến; ĐBQH Lưu Đức Long; ĐBQH Phùng Thị Thường.

Đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến cho rằng: Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 59/168 điều của Luật Xây dựng hiện hành là những nội dung còn bất cập trong quá trình thực hiện. Do đó, tên gọi của dự thảo luật lần này là phù hợp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật. 


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan cùng các ĐBQH dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Đánh giá về tính công khai, minh bạch của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 59 điều của Luật Xây dựng nhưng có đến 21 điều, khoản được giao Chính phủ, bộ ngành ban hành quy định chi tiết đã làm tăng 17 điều, khoản được giao Chính phủ, bộ ngành so với Luật Xây dựng. Như vậy, càng sửa đổi, bổ sung thì tính minh bạch của Luật càng bị hạn chế. Do đó, đề nghị với các quy định tại các Nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật Xây dựng cần được tổng kết, đánh giá; quy định nào đã ổn định và được lượng hóa thì đưa vào dự thảo luật nhằm hạn chế việc giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết hoặc hướng dẫn.

Bên cạnh đó, việc sử dụng câu quét như “theo quy định của pháp luật có liên quan” hoặc “theo quy định của luật này”; “theo quy định của Chính phủ” ở quá nhiều điều, khoản làm cho luật thiếu tính minh bạch, khó thực hiện. Pháp luật có liên quan là pháp luật nào và có rất nhiều nội dung ở luật này không có quy định. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và thể hiện cụ thể hơn.

Đóng góp thêm ý kiến, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng: Đối với Khoản 1, Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3, việc giải thích từ ngữ chưa rõ. Tại điểm b sửa đổi, bổ sung khoản 4 “Bộ quản lý chương trình xây dựng chuyên ngành là bộ được giao nhiệm vụ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của Luật này”. Trong dự thảo Luật, không có điều, khoản nào quy định hoặc khái niệm về “chương trình xây dựng chuyên ngành”. Do đó, trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ bộ nào là bộ quản lý chương trình xây dựng chuyên ngành và chương trình xây dựng nào được quy định là chương trình xây dựng chuyên ngành.  


Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến tham gia ý kiến tại kỳ họp

Ngoài ra, cách giải thích ý nghĩa “Cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ quản lý chương trình xây dựng chuyên ngành… khu công nghệ cao” tại Điểm d sửa đổi, bổ sung Khoản 13 chưa rõ ràng. Cụ thể, các cơ quan trực thuộc bộ đều là cơ quan chuyên môn về xây dựng là không đúng. Trong các cơ quan của bộ chỉ có một số cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý xây dựng mới là cơ quan chuyên môn về xây dựng. Mặt khác, cần làm rõ các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực có phải cơ quan chuyên môn về xây dựng hay không? 


 Đại biểu Lưu Đức Long nghiên cứu tài liệu tại kỳ họp

Về khoản 31 sửa đổi, bổ sung Điều 94 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Tại mục b, điểm 1 quy định: “Phù hợp với quy mô chương trình do UBND cấp tỉnh quy đinh cho từng khu vực”. Quy định như dự thảo đã làm phát sinh thêm thủ tục là UBND cấp tỉnh phải ban hành quy định về quy mô công trình tại các khu vực đã có quy hoạch nhưng chưa được thực hiện. Nên chăng, dự thảo Luật quy định chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn cho những công trình, dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà tạm hoặc công trình nhà ở cấp 4. “Vấn đề đặt ra là khi chương trình được cấp phép xây dựng có thời hạn, nhưng trong thời gian giấy phép xây dựng đang còn hiệu lực, quy hoạch được triển khai thực hiện thì việc xử lý công trình được cấp phép tạm như thế nào. Ở đây, dự thảo luật chưa đề cập tới. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp này vào dự thảo luật” – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Tiến đề nghị. 

Tin, ảnh: TRỌNG HIẾU