Không để bị lỡ nhịp phục hồi

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:02 - Chia sẻ

“Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu” - đây là một chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Bởi đằng sau chỉ đạo đó là số phận của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh, hàng chục triệu công nhân lao động và nông dân…

Sự phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng tốc. Việt Nam nếu muốn nền kinh tế không bị lỡ nhịp thì thời điểm này phải cấp bách mở cửa.

Đài truyền hình CNBC của Mỹ mới đây phát sóng một chuyên đề bàn về việc gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Á, trọng tâm là Việt Nam và Malaysia. Lệnh phong tỏa để chống dịch khiến hàng loạt doanh nghiệp cung ứng sản phẩm quần áo, giày dép cho các thương hiệu lớn ở Mỹ buộc phải đóng cửa nhà máy, ngừng hoặc giảm sản lượng sản xuất. Việt Nam là nước cung cấp hàng may mặc và giày dép lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ (sau Trung Quốc) và phần lớn năng lực của 2 ngành này tập trung ở tâm dịch phía Nam gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Việc đứt gãy nguồn cung ứng từ Việt Nam trong 3 tháng qua khiến các nhà bán lẻ Mỹ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mùa cao điểm mua sắm cuối năm đang đến gần. Thông tin từ nhiều nguồn cho thấy, các khách hàng lớn nước ngoài đã và đang tính chuyện chuyển bớt đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam. Khi đó, không chỉ có doanh nghiệp mà số phận hàng triệu nhân công trong ngành dệt may, da giày sẽ ra sao?

Yêu cầu cấp bách là vậy, nhưng trên thực tế, việc lập và triển khai kế hoạch vẫn rất chậm trễ. Ý tưởng mở cửa sống chung với dịch đã được lãnh đạo Chính phủ, các địa phương nói đến nhiều trong mấy tuần qua, mang đến hy vọng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân về việc nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay tất cả những gì đạt được chỉ là kế hoạch riêng lẻ của một số địa phương. Di chuyển liên tỉnh, bao gồm mạng lưới vận tải - xương sống của nền kinh tế - vẫn chưa thực sự được khôi phục. Đường hàng không vẫn chưa mở cửa. Đường bộ vẫn gian nan với các yêu cầu xét nghiệm Covid, với chứng thực “hộ chiếu vaccine”. Luồng xanh cho di chuyển nội địa vẫn ở trên “giấy”, trong vòng bàn thảo chứ chưa thành hiện thực.

Sự do dự, sợ hãi, áp lực “không được để dịch bùng phát” có thể là nguyên nhân dẫn đến những yêu cầu kiểu như phải bảo đảm “tuyệt đối an toàn” khi nối lại các hoạt động kinh tế, hoặc từ chối mở lại đường bay nói trên.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Trung ương lần này nhấn mạnh, thế giới khó kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối, do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh. Và từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, Trung ương yêu cầu cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Vì thế, từ trên xuống dưới cần sớm đổi mới tư duy, sớm thống nhất một nhận thức mới: vận hành đời sống kinh tế - xã hội an toàn cũng là chống dịch. Bởi đơn giản, không chết vì dịch thì cũng chết vì đói! Lo lắng hơn là hiệu ứng domino đã bắt đầu! Không dừng lại ở du lịch, nhà hàng đóng cửa, chuỗi cung ứng đổ vỡ, doanh nghiệp nước ngoài chuyển bớt sản xuất khỏi Việt Nam, những “cái chết từ từ” như doanh nghiệp vỡ nợ ngân hàng, đóng cửa hàng loạt, thất nghiệp diện rộng…, nếu không nhận thức được và hành động sớm sẽ đến điểm bùng phát và không thể cứu vãn.

Ngay từ bây giờ, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cũng phải được coi là lực lượng chống dịch. Họ chống dịch bằng kinh tế. Họ hoạt động là đóng góp thuế cho ngân sách; là tạo việc làm, trả lương cho người lao động. Bài học 2 năm qua dạy chúng ta rằng không phải chỉ có y tế, chính quyền mới chống dịch. Và đây là thời điểm để thay đổi căn bản cách tiếp cận: Chấp nhận có ca nhiễm trong cộng đồng; ưu tiên xử lý ca nặng, vận hành kinh tế - xã hội an toàn. Có như vậy, nền kinh tế mới không bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới như Trung ương đã yêu cầu!

Hà Lan