Báo cáo kịp thời những vướng mắc trong triển khai Thông tư 29
Ngày 11.2, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản số 362/SGDĐT-VP về triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về quản lý dạy thêm, học thêm gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thủ đô.
Trong văn bản này, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD-ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Sở GD-ĐT những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 29. Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.
Tương tự, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành công văn 736/UBND-VX về triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở GD-ĐTchủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương ban hành công văn 294/SGDĐT-GDTrH-GDTX về việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Trong đó, yêu cầu giáo viên các cơ sở giáo dục công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo (bằng văn bản) với hiệu trưởng/giám đốc trong đó phải nêu rõ các nội dung chính: thời lượng, thời gian, địa chỉ và hình thức dạy thêm. Các cơ sở giáo dục phải quản lý chặt chẽ việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đúng quy định; báo cáo việc giáo viên của trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
UBND TP Thanh Hóa đã có công văn số 986/UBND-GDĐT về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, UBND TP Thanh Hóa yêu cầu UBND các phường, xã, tăng cường công tác truyên truyền để người dân biết và thực hiện các nội dung cơ bản của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2; phối hợp với Phòng GD-ĐT và các cơ quan liên quan quản lý việc thực hiện quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể liên quan phối hợp với gia đình và nhà trường trong việc quản lý học sinh, đặc biệt là thời gian học sinh không đến trường.
UBND TP Thanh Hóa cũng yêu cầu Hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn TP Thanh Hóa thực hiện tuyên truyền, niêm yết công khai quy định về dạy thêm, học thêm theo các quy định mới để toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh biết, thực hiện.
Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, giáo viên dạy thêm trái quy định.

Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chính khóa
Sở GD-ĐT Hải Dương yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học các môn học và các hoạt động giáo dục; dạy học bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình.
Rèn luyện ý thức tự học của học sinh và hướng dẫn học sinh phương pháp học tập; giao nhiệm vụ cho học sinh tự học ở nhà phù hợp, hiệu quả; khuyến khích học sinh chủ động tích cực ôn tập, củng cố kiến thức thông qua các công cụ, ứng dụng, phần mềm dạy học trực tuyến nhằm nâng cao kết quả học tập.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong dạy học và kiểm tra, đánh giá để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên tích cực sinh hoạt chuyên môn nhằm trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy để nâng cao chất lượng.
Trong công văn 243/SGDĐT-GDTrH, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; quan tâm hướng dẫn học sinh phương pháp học và tự học; chỉ đạo giáo viên giao, đôn đốc và kiểm tra học sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập ở nhà bảo đảm tính khoa học, vừa sức; khuyến khích nghiên cứu, sử dụng các phần mềm, website ôn luyện, quản lý học tập. Đồng thời, tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn và việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Các nhà trường cũng cần điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm đã xây dựng từ đầu năm học 2024-2025; tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 bảo đảm hiệu quả.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động giáo dục trong nhà trường như tổ chức câu lạc văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao..., bảo đảm thời gian, thời lượng phù hợp với việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc quản lý học sinh; tuyên truyền cha mẹ học sinh quản lý con em trong thời gian không học tập tại trường.
Cùng với đó, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc ban hành công văn 194/SGDĐT-GDPT về việc thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, các Trung tâm GDNN-GDTX, các Phòng GD-ĐT (chỉ đạo các trường học trên địa bàn) điều chỉnh Kế hoạch dạy thêm, học thêm đã ban hành đầu năm học phù hợp với quy định tại Thông tư 29, chủ động xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng học sinh, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 bảo đảm hiệu quả. Bổ sung các giải pháp tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 theo năng lực bảo đảm đúng quy định tại Thông tư 29 (không thu tiền, đúng thời lượng, đủ hồ sơ).
Phân công giáo viên dạy bảo đảm ở mức tối đa tiết dạy theo định mức tiêu chuẩn, bố trí những giáo viên có năng lực tốt dạy các lớp cuối cấp và ôn thi tốt nghiệp, tuyển sinh.
Thủ trưởng các đơn vị động viên, khuyến khích giáo viên xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh để giúp đỡ học sinh ôn tập, quản lý học sinh ngoài giờ học, củng cố kiến thức đồng thời chủ động cân đối nguồn ngân sách đã được cấp, điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ để hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh.
Tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các nhà trường chú trọng việc hướng dẫn học sinh cập nhật kiến thức ngoài giờ học chính khóa, nâng cao khả năng tự học, ứng dụng công nghệ thông tin khai thác nguồn học liệu số nhằm nâng cao chất lượng học tập.
Chỉ tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường...