Không “đánh trống bỏ dùi”
Theo dõi thực hiện lời hứa sau chất vấn và trả lời chất vấn khá quan trọng. Những vấn đề người trả lời đã hứa nhiều lần nhưng chưa được thực hiện, cần tổ chức giám sát để làm rõ nguyên nhân và quy kết trách nhiệm. Cần thiết, Thường trực HĐND ban hành văn bản yêu cầu giải quyết dứt điểm, có thể đưa ra HĐND xem xét trách nhiệm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xét tư cách, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, hoặc hứa để đấy gây mất lòng tin trong nhân dân.
Chất vấn không phải câu hỏi thông thường
Chất vấn là quyền của đại biểu HĐND, là hình thức giám sát hữu hiệu của HĐND. Đại biểu chất vấn với tư cách là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được pháp luật trao quyền. Điều người dân quan tâm là đại biểu thực hiện quyền này như thế nào? Và làm thế nào để chất vấn - trả lời chất vấn mang lại hiệu quả cao.
![]() | |
Cần tăng cường theo dõi việc thực hiện lời hứa sau chất vấn và trả lời chất vấn | Ảnh: Q. Tuyến |
Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu phải luôn luôn được cập nhật kiến thức, đặc biệt là kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước. Đồng thời, duy trì việc bồi dưỡng các kỹ năng hoạt động của đại biểu. Đối với hoạt động chất vấn, đại biểu muốn chất vấn ai, người nào, về lĩnh vực gì cần nghiên cứu kỹ, hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó. Vì, chất vấn là một trong những hình thức giám sát hữu hiệu nhất. Chất vấn của đại biểu là yêu cầu của người đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước để làm rõ những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, bức xúc. |
Trước hết, cần phân biệt chất vấn với câu hỏi thường. Mục đích của chất vấn nhằm làm sáng tỏ những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến người đứng đầu các cơ quan, tổ chức về một lĩnh vực nào đó và phải chịu trách nhiệm của mình trước cơ quan quyền lực nhà nước. Còn câu hỏi thường chỉ nhằm được cung cấp thông tin về một vấn đề nào đó người hỏi quan tâm. Về cơ sở pháp lý, chỉ có ĐBQH và đại biểu HĐND mới có quyền chất vấn. Không có văn bản pháp luật nào quy định khi nêu câu hỏi người hỏi phải dựa trên cơ sở văn bản pháp lý nào.
Đối với câu hỏi thường, phạm vi quan hệ chỉ là cá nhân với cá nhân, cá nhân với cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan, tổ chức với cá nhân, cơ quan, tổ chức với nhau, không có ràng buộc về tính pháp lý. Còn câu hỏi chất vấn, người hỏi là thành viên của cơ quan quyền lực nhà nước, khi hỏi là trên cơ sở pháp lý để hỏi và yêu cầu người được hỏi phải trả lời về những vấn đề người hỏi quan tâm. Vì vậy, hậu quả pháp lý của chất vấn là kết luận đúng sai của sự việc và trách nhiệm đến đâu của người được chất vấn. Người được chất vấn phải trả lời cho người hỏi, đồng thời cũng là trả lời cơ quan quyền lực nhà nước. Nếu nội dung trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của người chất vấn, người chất vấn có quyền chất vấn lại tại phiên họp khác, hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.
Cần giám sát việc thực hiện lời hứa
Nhận thức rõ tầm quan trọng và trách nhiệm của HĐND trước cử tri, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện khá tốt hoạt động chất vấn, cả trong kỳ họp đến thời gian giữa hai kỳ họp. Tại các kỳ họp, chất vấn của đại biểu được chuyển đến Văn phòng HĐND để tổng hợp gửi Thường trực HĐND báo cáo kỳ họp. Nội dung thường tập trung vào những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong phát triển kinh tế và những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và trách nhiệm giải trình tại các kỳ họp HĐND những năm qua đã có nhiều cải tiến, từng bước đổi mới, góp phần tạo sự sinh động của các kỳ họp HĐND, thu hút quan tâm của cử tri và nhân dân.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan thì chất vấn và trả lời chất vấn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế phải khắc phục. Số câu hỏi chất vấn tại một số kỳ họp chưa nhiều; trong chất vấn ít có tranh luận; người hỏi chỉ hỏi xong là thôi, còn người trả lời chỉ trả lời bằng văn bản chuẩn bị trước, ít có câu hỏi thêm trong quá trình hỏi và trả lời. Đặc biệt, việc chất vấn thường chỉ tập trung vào một số đại biểu nhất định. Tâm lý nhiều đại biểu còn e ngại, nể nang. Chất vấn đã ít, nhiều khi đại biểu lựa chọn nội dung chất vấn chưa kỹ, chưa trúng và chưa sát với thực tế, còn dàn trải. Từ đó dẫn tới việc trả lời đôi khi còn hình thức, hoặc thay vào đó là báo cáo công tác của ngành mình, cơ quan mình.
Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự sôi động, trước hết đại biểu cần chuẩn bị rất kỹ nội dung câu hỏi và phải dựa trên cơ sở nội dung, chương trình của kỳ họp; cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua những lần TXCT, tiếp công dân; ý kiến thảo luận của đại biểu, báo cáo thẩm tra và báo cáo giám sát của các ban, ý kiến của MTTQ, những vấn đề bức xúc của nhân dân và tình hình thực tế của địa phương để nêu câu hỏi chất vấn đúng trọng tâm của kỳ họp. Câu hỏi nên ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, đúng địa chỉ, đúng người. Ngoài ra, điều hành của Chủ tọa cần gợi mở, khích lệ đại biểu và tạo ra không khí trao đổi, tranh luận đi tới cùng những nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Sau mỗi phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, không phải mọi vấn đề đều được giải quyết hoặc trả lời thỏa đáng cho đại biểu, đi theo đó là lời hứa, nhận trách nhiệm của đại diện ngành hữu quan. Vì vậy, giám sát việc thực hiện lời hứa khá quan trọng. Thường trực HĐND phải rất quan tâm đến nội dung này để chỉ đạo Văn phòng HĐND và điều hòa phối hợp hoạt động của các ban để có kế hoạch theo dõi, giám sát. Những vấn đề người trả lời đã hứa nhiều lần nhưng chưa được thực hiện, cần tổ chức để Thường trực, các ban và đại biểu HĐND giám sát theo từng lĩnh vực để làm rõ nguyên nhân và quy kết trách nhiệm. Cần thiết, Thường trực HĐND ban hành văn bản yêu cầu giải quyết dứt điểm, có thể đưa ra HĐND xem xét trách nhiệm hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xét tư cách, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, hoặc hứa để đấy gây mất lòng tin trong nhân dân.