Không đáng lo ngại?

- Thứ Hai, 07/06/2021, 06:00 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 17%, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 98 tỷ USD, tăng hơn 36%, chiếm gần 75%.

Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt gần 46 tỷ USD, tăng hơn 30%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 85 tỷ USD, tăng gần 40%. Như vậy, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, cán cân thương mại đã nghiêng sang nhập siêu - với con số 369 triệu USD.

Nguyên nhân dẫn đến nhập siêu là bởi nhập khẩu tăng cao trong tháng 5, đạt khoảng 28 tỷ USD, tăng hơn 56% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên cơ cấu hàng nhập khẩu chủ yếu để phục vụ sản xuất trong nước, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng chiếm đến 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020. Câu hỏi đặt ra là nhập siêu trong bối cảnh hiện nay có đáng lo ngại hay không?

Ở góc độ tích cực, việc nhập siêu nghiêng về nhóm tư liệu sản xuất, máy móc, phụ tùng là dấu hiệu cho thấy nền sản xuất đang phục hồi và phát triển tích cực. Với các giải pháp điều hành hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III, thậm chí cho cả năm. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng tăng dẫn đến nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng.

Nhấn mạnh thêm về những nhận định này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải khẳng định việc nhập siêu không phải đột biến và không đáng ngại. Ông Hải phân tích: sau 4 tháng duy trì xuất siêu, đến tháng 5 có mức nhập siêu nhẹ, điều này không có gì quá bất thường vì hiện nay, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu để phục vụ sản xuất, đặc biệt phục vụ sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày - những ngành đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh nên việc gia tăng nhập khẩu là tất yếu…

Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định không nên quá lo ngại về việc nhập siêu vì đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất, kinh doanh đang phục hồi. Bởi theo số liệu thống kê, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện, chỉ có một phần nhỏ là hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiện phần lớn doanh nghiệp nước ta là nhỏ và vừa nên cần nhập máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, linh phụ kiện để hình thành tài sản cố định và sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, hàng hóa là cần thiết... Ngoài ra, số ít các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nên nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước thường lớn hơn xuất khẩu, cùng với hàng tiêu dùng nhập khẩu thì rõ ràng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội nhỏ hơn nhiều nên không có gì khó hiểu khi nhập siêu .

Ngoài những lý do trên cũng có ý kiến cho rằng, có thể do giá nguyên vật liệu tăng nên các doanh nghiệp tăng tích trữ nguyên vật liệu để hưởng lợi về giá. Rằng các mặt hàng nhập siêu là những mặt hàng không có tác động thúc đẩy sản xuất... Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, việc nhập siêu trong bối cảnh hiện nay chưa đáng lo ngại, thậm chí có thể coi đây là tín hiệu tích cực về khả năng hồi phục kinh tế.

Khánh Ninh