Không cụ thể, khó xử phạt

- Chủ Nhật, 11/10/2020, 06:30 - Chia sẻ
Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ có hiệu lực vào ngày 15.11 tới đây. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu bia. Nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt đối với hành vi này là cần thiết, tuy nhiên, nếu không quy định cụ thể, sẽ khó xử phạt.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông, án mạng đau lòng có nguyên nhân từ rượu, bia. Hậu quả của việc sử dụng rượu, bia cũng đã được Chính phủ chỉ rõ khi trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XIV. Theo đó, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các bệnh: rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ... Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15 - 49.

Theo thống kê hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Những số liệu này cho thấy, những tác hại từ việc lạm dụng sử dụng rượu, bia là hiện hữu và đau lòng. Do đó, để giảm thiểu tác hại của rượu bia, ngoài quy định nhằm “siết” hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc quy định các chế tài xử phạt do vi phạm quy định về sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết.

Để giảm tác hại của rượu, bia Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), thì bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 - 24 tháng với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở… Nghị định 100 được đánh giá đã thực sự đi vào cuộc sống. Một trong những lý do làm cho các quy định của nghị định này phát huy hiệu quả đó là quy định rõ ràng, cụ thể hành vi, chế tài xử phạt đối với từng hành vi vi phạm trong sử dụng rượu, bia. Đặc biệt, chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe.

Nếu như Nghị định 100, chế tài xử phạt liên quan đến rượu, bia, áp dụng chủ yếu hướng tới những người uống rượu bia tham gia giao thông, thì trong Nghị định 117 mở rộng thêm các hành vi bị xử phạt như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quy định tiến bộ. Tuy nhiên, quy định này cũng gây băn khoăn, đó là làm thế nào để xác định được ai đó có hành vi xúi giục, lôi kéo hay ép buộc người khác uống rượu, bia? Bởi thực tế, những người uống rượu bia với nhau thường là chỗ anh em, bạn bè. Trong quan niệm của không ít người Việt Nam, việc mời nhau chén rượu, cốc bia là tình cảm, nhiệt tình, quý mến nhau. Do đó, trong lúc vui, việc phân biệt mời ai đó uống một cách quá nhiệt tình với hành vi xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu, bia là rất khó xác định.

Một trong những mục đích xây dựng luật, nghị định liên quan đến vấn đề này nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm số lượng các vụ án hình sự có nguyên nhân từ rượu, bia… Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho rằng, để hiểu đúng, áp dụng đúng quy định này thì cần cụ thể hóa thế nào là hành vi xúi giục, lôi kéo, kích động và thế nào là ép buộc người khác uống bia, rượu. Chỉ khi cụ thể hóa các hành vi vi phạm thì mới có căn cứ để xử phạt.

Muốn pháp luật đi vào cuộc sống thì các quy định phải cụ thể, không thể chung chung, mơ hồ. Quy định càng cụ thể, người dân càng dễ hiểu, cơ quan thực thi càng dễ áp dụng, tránh tình trạng quy định thì rất hay, nhưng lại chỉ “nằm trên giấy”.

Song Hà