Không còn tâm lý “chợ chiều”

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 08:20 - Chia sẻ
“Chậm là phải báo cáo Bộ trưởng xử lý, không để tủ để ngâm được. Tôi phê bình vì để chậm và không được có tinh thần chợ chiều”. Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với các bộ, ngành về tình hình nợ đọng văn bản.

Tình trạng nợ đọng văn bản đã trở thành một trong những nút thắt trong xây dựng văn bản hướng dẫn. Đây cũng là một trong những rào cản lớn làm cho một số quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống. Theo thống kê, tính đến nay vẫn còn 17 văn bản hướng dẫn luật chi tiết có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa được ban hành. Dù không được “sáng” như năm 2017 - năm đầu tiên không có văn bản nợ đọng chi tiết nhưng nhìn vào số liệu có thể thấy, nợ đọng văn bản tính cho đến thời điểm này giảm rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Đến ngày 30.12.2020 chỉ còn 6 văn bản hướng dẫn luật chi tiết bị nợ đọng. Trong khi đó, số lượng văn bản nợ đọng ở cuối nhiệm kỳ Khóa XII là 58 văn bản và nhiệm kỳ Khóa XIII 39 văn bản.

Cho đến thời điểm này, nhiệm kỳ của Chính phủ đang gần chạm về đích. Mọi việc tồn đọng cần phải chạy đua nước rút mới có thể hoàn thành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 6 văn bản nợ đọng đòi hỏi Chính phủ phải giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, “tinh thần là không nợ đọng hơn số lượng văn bản của 2020”. Điều này cũng đồng nghĩa phải ban hành bằng được 6 văn bản đang nợ đọng.

Chúng ta hoàn toàn đồng tình với sự “sốt ruột” của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng về tiến độ xây dựng những văn bản còn nợ đọng. Việc chậm trễ ban hành các văn bản này có thể có nguyên nhân từ việc nội dung các văn bản hướng dẫn liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần đánh giá tác động một cách cẩn trọng, thấu đáo nên Chính phủ phải cân nhắc, xem xét ban hành ở thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng quán triệt các cơ quan liên quan không được có tinh thần “chợ chiều”.

“Chợ chiều” là cách ví von, là một trong những biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ”. Điều này cũng đồng nghĩa với suy nghĩ và hành động “nhiệm kỳ nào hay nhiệm kỳ đó”. Cách tư duy này có thể dẫn tới tình trạng lãnh đạo, công chức chỉ quan tâm đến việc “việc nào dễ làm trước, việc nào khó làm sau”. Và những việc dồn toa cuối nhiệm kỳ không loại trừ là những việc khó, mà người trong cuộc bằng cách này hoặc cách khác cố lý giải, biện minh cho sự chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Chợ chiều” cũng là chỉ tâm lý của một số cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, không toàn tâm, toàn ý với công việc khi nhiệm kỳ của mình sắp kết thúc. Làm việc kiểu bình bình, không gay gắt, không truy trách nhiệm đến nơi đến chốn, chỉ để “vừa lòng anh, em bằng hữu”. Bởi làm hay không làm quyết liệt cũng “chả chết ai”. Chính vì tâm lý ấy làm cho hiệu quả công việc bị chậm lại. Hậu quả đã dẫn đến tình trạng có những việc của nhiệm kỳ này đã để vắt sang nhiệm kỳ sau.

Tại Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ “rất ấn tượng với Chính phủ nhiệm kỳ này” bởi những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nhanh hoạt động kinh tế, giải quyết những điểm nghẽn chưa kịp thời, thậm chí là chậm. Đây là hậu quả tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức e ngại, lo lắng khi quá nhiều sai phạm qua kết quả thanh tra, kiểm tra phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, rồi gần cuối nhiệm kỳ nên những vướng mắc mặc dù đúng pháp luật rồi, rõ ràng rồi nhưng cứ “chỗ này đẩy lên, chỗ kia đẩy xuống, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm bởi có những việc khó, và rất có thể sẽ có những độ trễ nhất định. Nhưng những gì làm được, tháo gỡ ngay được thì người đứng đầu, các cơ quan liên quan phải xắn tay vào làm ngay, làm quyết liệt. Tránh tình trạng tâm lý nửa vời, “chợ chiều”, đẩy lại cho nhiệm kỳ sau.

Với quyết tâm chậm nhất ngày 20.3 tới, trước khi kỳ họp thứ Mười một Quốc hội Khóa XIV diễn ra, Chính phủ hoàn thành các văn bản nợ đọng để không làm ảnh hưởng đến kết quả, sự cố gắng, nỗ lực của cả nhiệm kỳ Chính phủ. Cử tri mong rằng, không chỉ là văn bản nợ đọng, mà các lĩnh vực khác, những nhiệm vụ, trách nhiệm của Chính phủ nhiệm kỳ này cũng không còn tồn đọng.

Hà An