Không còn dư địa để trì hoãn

- Thứ Hai, 28/09/2020, 04:08 - Chia sẻ
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam do Thanh tra Chính phủ ban hành cho thấy, có hơn 180 nghìn hecta đất tại 30 tỉnh, thành phố xảy ra sai phạm cần xử lý.

Bên cạnh việc để 19,8 nghìn hecta bị lấn chiếm (đến nay mới thu hồi hơn 1.600ha), 3 tập đoàn, tổng công ty đã sử dụng đất được giao sai mục đích gây lãng phí. Thậm chí, có đơn vị đã chuyển nhượng đất trái quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước. Ví dụ, Tổng Công ty Chè Việt Nam đã đưa 12 khu đất vào liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định, thoái vốn không thông qua đấu giá khiến nhiều mảnh đất “vàng” của Nhà nước rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân.

Những thông tin thế này không còn gây bất ngờ với dư luận nữa. Việc nhiều cựu lãnh đạo cả ở Trung ương và địa phương vướng vòng lao lý vì liên quan đến các khu đất “vàng” cho thấy, trong một thời gian dài, đất công đã được chuyển nhượng “tự do”, nằm ngoài quy định. Sau khi chạy lòng vòng trong tay pháp nhân mới thông qua nhiều cách (trong đó “hợp tác rồi thoái vốn” là phương thức được “ưa chuộng”), đất công rơi vào tay tư nhân làm ngân sách thất thoát một khoản tiền khổng lồ. Và cũng theo thời gian, danh sách các vụ việc bán rẻ đất công cứ dài thêm.

Lần đầu tiên trong kết luận thanh tra (nói trên), Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an điều tra 12 vụ việc có dấu hiệu sai phạm. Điều tra rõ, xử lý nghiêm, không có vùng cấm như cách làm hiện nay là hoàn toàn đúng đắn. Cùng với đó, chính sách quản lý đất đai, khung pháp lý cho cổ phần hóa phải được đánh giá kỹ lưỡng và bịt được những lỗ hổng để tài sản nhà nước không bị thất thoát. Quan trọng không kém là minh bạch hơn nữa trong quá trình định giá và đấu thầu khi cổ phần hóa. Không chỉ đất “vàng” mà mỗi mảnh đất công đều phải được đấu giá công khai, minh bạch, để một mặt mang lại cho ngân sách khoản thu xứng đáng, mặt khác tài sản đất đai sẽ đến được đúng tay tư nhân sử dụng hiệu quả nhất nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế. Việc này được nói nhiều nhưng chuyển biến trên thực tế còn rất chậm chạp.

“Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách còn thấp” là tồn tại đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới". Cũng trong bài viết quan trọng này, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước đề cập tới chính là “hoàn thiện thể chế”. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước yêu cầu thời gian tới “phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể như: Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công”.

Cho đến lúc này, ở cả cấp độ quốc gia hay địa phương đều có thể nói đã tận dụng hết các nguồn lực “dễ khai thác” cho phát triển, trong đó có đất đai. Vì thế, không còn “dư địa” cho sự trễ nải, trì hoãn nữa, mà ngược lại, đòi hòi quyết tâm xử lý những thách thức phức tạp hơn để đất công nói chung và đất "vàng” của Nhà nước nói riêng không còn “cửa” rơi vào tay tư nhân với giá bọt bèo.

Hà Lan