Không có lý, lại chẳng hợp tình!
“Khuyên bảo tiết kiệm, tránh phô trương, tránh lãng phí... thì rất tốt. Nhưng đã dùng đến biện pháp “cấm” thì phải xem lại là có thuộc quy định pháp luật nào không? Có thuộc khoản nào trong điều lệ Đảng hay không? Lại còn phải xem liệu có thực thi được hay không?” - Đây là quan điểm của GS. NGND NGUYỄN LÂN DŨNG khi nói về Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố.

- Ông nghĩ gì về hiện trạng tổ chức đám cưới xa xỉ, có biểu hiện trục lợi của một bộ phận nhân dân, cán bộ (như in chức vụ trong thiếp mời…) mà báo chí đã phản ánh thời gian qua?
- Các cụ thường dạy: Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Thành ngữ có câu: Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất lớn. Danh dự của mỗi người chỉ có thể do bản thân người đó tạo dựng nên và được mọi người (hay số đông) thừa nhận. Ai trục lợi dựa vào vị trí xã hội của mình thì che giấu sao nổi? Người ta không nói ra nhưng không còn ai thực tâm quý trọng nữa, cũng có nghĩa là tự đánh mất danh dự của mình. Ở nhiều nước khi đã cảm thấy bị mất danh dự người ta từ chức ngay. Tôi xin kể một số ví dụ. Cách đây vài năm, sau khi xảy ra vụ tai nạn đường sắt, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản đã nhận lỗi và xin từ chức. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng đã từ chức vì không thực hiện được cam kết di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa. Tại Hàn Quốc, cựu Ngoại trưởng Yu Myung-hwan đã công khai xin lỗi và quyết định từ chức sau khi bị tố cáo đã tuyển con gái vào một vị trí được trả lương cao trong Bộ Ngoại giao...
- Tổ chức đám cưới xa xỉ có phải là xu hướng trên thế giới ngày nay không, hay ở những nước càng văn minh thì người ta lại đi theo xu hướng giản tiện, thưa ông?
- Tập quán mỗi nước một khác. Phương Tây thường tổ chức lễ cưới rất nhỏ, chỉ trong gia đình hai bên và chút ít bạn bè của hai con mà thôi. Đêm cưới là đêm nhảy múa là chính, ăn rất nhẹ. Phương Đông thường coi trọng ngày cưới (có lẽ ít chuyện “ăn cơm trước kẻng” như phương Tây) nên thường mời đông đủ họ hàng, bè bạn. Tôi từng cùng đồng chí Moong Văn Nghệ (ĐBQH Khóa X, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đi dự đám cưới ở một làng người Khơ Mú. Vui quá. Nhà có đám thì mổ lợn, các nhà khác thì mổ gà. Nhà nào cũng có rượu cần. Khách được mời đi từng nhà và chủ yếu là uống rượu và trò chuyện thâu đêm, rồi lăn ra ngủ (!)
- Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, trong đó có quy định số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người). Ông đánh giá thế nào về Chỉ thị này và tính khả thi của nó?
- Nghe thông tin này tôi hỏi thử bạn bè thì 100% tỏ ra... buồn cười (!). Có biết bao nhiêu chuyện quan trọng, liên can đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc (như lời Tổng bí thư) thì không lo mà lại nghĩ ra những chuyện ai cũng cho là vớ vẩn như vậy. Trước đây, Hà Nội đã đề xuất bao nhiêu chuyện khôi hài, như cán bộ lãnh đạo phải có bằng Tiến sỹ, xe ngoại tỉnh không được vào Hà Nội, xe biển số chẵn, lẻ đi vào ngày chẵn, lẻ... Nay lại có chuyện hạn chế cán bộ, đảng viên tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm, không quá 300 người (vài ngày sau lại bỏ chuyện 50 mâm). Thật khôi hài! Chuyện tham nhũng mới cần ra tay khắc phục, còn đây là chuyện riêng tư và nếu không dính dáng gì đến chuyện lợi dụng chức quyền... thì cấm vừa không có lý, lại vừa chẳng hợp tình. Khuyên bảo tiết kiệm, tránh phô trương, tránh lãng phí... thì rất tốt. Nhưng đã dùng đến biện pháp “cấm” thì phải xem lại là có thuộc quy định pháp luật nào không? Có thuộc khoản nào trong điều lệ Đảng hay không? Lại còn phải xem liệu có thực thi được hay không? Ai đếm số khách mời? Ai đứng ra thi hành kỷ luật?...
Hoàn cảnh mỗi người một khác. Ai cấm những người tốt bạn, đông họ hàng, mà những người được mời đều rất muốn đến chia vui (chứ không miễn cưỡng phải đi) lại không được mời đông người với thực đơn giản dị hay làm tiệc đứng chẳng hạn? Tôi nghĩ chả có ai chấp nhận sự ngăn cấm này! Và lấy lý do chính đáng nào để ngăn cấm? Vấn đề là tùy gia cảnh từng người mà tổ chức sao cho mọi người vui vẻ, không ai thấy khó chịu, không ai chê cười là lãng phí. Thế thôi. Danh dự của ai người ấy tự giữ, chỉ can thiệp khi vi phạm pháp luật mà thôi. Nếu biết là không khả thi thì không nên ra bất kỳ nghị quyết hay chỉ thị gì. Bác Hồ đã viết: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”. (HCM toàn tập, 1995, t5, tr.250)
- Xin cám ơn Giáo sư!