Không có chỗ cho sự cẩu thả
Thiếu trường quay, thiếu đạo cụ và tư liệu về thời điểm chuyện phim diễn ra luôn khiến việc dựng bối cảnh cho phim cổ trang Việt đã khó càng thêm khó…
![]() Cảnh trong phim Lều chõng |
Họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức từng tham gia dựng bối cảnh, làm đạo cụ cho khá nhiều bộ phim hiện đại và cổ trang, trong đó Lều chõng (đạo diễn Thanh Vân) và Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn) do ông trực tiếp dựng bối cảnh. Bây giờ làm phim cổ trang Việt rất khó, ông nói. Bối cảnh phim là những ngôi làng, ngôi nhà chỉ cách đây vài chục năm (chứ chưa nói đến vài trăm năm) nhưng khi chọn được những ngôi làng cổ, nhà cổ thì bên trong đã mang đầy dấu ấn của cuộc sống hiện tại. Vì thế, người thiết kế bối cảnh phim cần phải nắm vững những đặc điểm tính cách cũng như phong cách của nhân vật để dựng bối cảnh, đạo cụ, chọn phục trang phù hợp. “Nếu họa sỹ không chú ý chăm chút cho bối cảnh thì chỉ một chi tiết nhỏ của cuộc sống đương đại lạc vào cũng đủ làm hỏng cả bộ phim. Tuy nhiên, cũng có họa sỹ dễ dãi khi bối cảnh là một ngôi nhà thời Lê lại gắn vào đó đôi câu đối thời Nguyễn. Hay như lập bàn thờ ở một ngôi nhà vùng nông thôn xưa cũng phải biết rõ từng vật dụng, hiểu rõ phong tục, nét văn hóa của từng vật dụng đi theo cái bàn thờ ấy mới có thể dựng đúng được. Hoặc ví như trong phim Lều chõng, cũng là nhà ông đồ nhưng ngôi nhà của ông đồ nơi thị thành có tính tình phóng khoáng, đời sống kinh tế khá giả, ưa tiêu dao phải khác nhà của ông đồ chốn làng quê...”, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.
Phục trang là yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên thành công của phim cổ trang Việt. Thường các phim của ta làm có bối cảnh hẹp nên các cảnh hay quay cận vào nhân vật, khi đó phục trang của nhân vật là đạo cụ chủ yếu. Vì thế, nếu họa sỹ thiết kế bối cảnh đồng thời là họa sỹ thiết kế phục trang thì sẽ rất thuận lợi, bằng không hai người sẽ luôn phải bàn bạc với nhau để tìm tiếng nói chung. Nếu phục trang lạc tông màu với bối cảnh sẽ khiến diễn viên cảm thấy không tự nhiên, thoải mái để có thể diễn xuất một cách tốt nhất.
![]() Một số đạo cụ dùng trong phim lịch sử |
Ông Trần Thế Kôi cho biết, tháng 8 tới ông tham gia thiết kế bối cảnh cho bộ phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh về Truyện Kiều. Để bối cảnh phim thực sự thuyết phục, ông phải đọc, nhớ hơn 4.000 câu thơ và hiểu đến từng chú giải trong Kiều. Phim có nhiều cảnh ngoại được quay ở chùa Thầy, chùa Tây Phương và cả ở quê hương đại thi hào Nguyễn Du... Tuy nhiên, bối cảnh ông tâm đắc là nhà của Vua Mèo Vương Chí Sình ở Hà Giang, nơi đoàn làm phim dự kiến chọn để quay cảnh lầu xanh. Nơi đây tường nhà được xây bằng đá lại chia thành từng phòng nhỏ nên chỉ phải bố trí một số đạo cụ cho phù hợp. |
Bối cảnh phim cổ trang không có chỗ cho sự cẩu thả. Nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Trần Thế Kôi đã tham gia thiết kế bối cảnh, đạo cụ cho hàng chục bộ phim, từ Giông tố cho đến Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) mới đây. Ông Kôi cho rằng, người dựng bối cảnh phải hiểu biết về thời đại của câu chuyện phim mình làm. Muốn hiểu được phải đọc tài liệu lịch sử, phải đi đến những địa danh liên quan xem xét để thấy thực tế thiếu gì thì bổ sung, sáng tạo thêm mới có được cảnh ưng ý cho phim. “Ví như cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền thời xưa dù đã chọn được bến nước phù hợp nhưng phải bố trí làm sao để tạo sự giao thương tấp nập. Sau những đêm trằn trọc chúng tôi đã dùng những sọt tre mà người dân Bát Tràng dùng để đựng và vận chuyển đồ gốm nhồi rơm vào, sau đó xếp chồng lên nhau, cùng với bu gà, đăng, đó, ít đồ gốm... để có đủ hàng hóa cho cảnh quay”.
Với nhiều khán giả, ấn tượng đầu tiên của phim Khát vọng Thăng Long là phục trang. Từ những đứa trẻ đóng khố, những cô gái yếm nâu sồi, những chàng đô vật áo cánh vải cho đến vua, quan, hoàng hậu... búi tóc, vấn khăn đều tạo ấn tượng gần gũi, rất Việt. Ông Kôi kể: phụ trách phục trang là nhà thiết kế Việt kiều Trần Chi Bảo. Có lần tôi được cô ấy giao làm chiếc áo tơi. Tôi tìm đến một nghệ nhân nổi tiếng và ông đã miệt mài suốt một ngày để có một chiếc áo tơi đẹp không chê vào đâu được. Thế nhưng khi tôi đem áo đến, cô ấy nói: “Cái này chỉ dùng để biểu diễn, không dùng trong phim được. Anh cho tháo dây cước ra bện lại bằng dây mây, sau đó lấy bàn chải sắt chải cho lớp lá xơ tướp ra mới dùng được. Đây là thời nhà Lý cơ mà”. Thế mới biết, việc làm phục trang cho phim cổ trang đòi hỏi sự hiểu biết, công phu và tỉ mỉ đến mức nào.
![]() Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long |
Mỗi bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật được hình thành dựa trên sự tổng hòa những sáng tạo cụ thể của mỗi người tham gia. Vì vậy, họa sỹ thiết kế bối cảnh, đạo cụ cho phim cổ trang Việt ngoài vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử dân tộc, đôi bàn tay tài hoa thì cần nhất vẫn là dấu ấn sáng tạo trong từng tác phẩm.