“Không có cách nào khác là phải hành động, vươn lên”

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Với chủ đề “Việt Nam - Khát vọng thịnh vượng: Ưu tiên và Hành động”, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2019 tại Hà Nội hôm qua tìm kiếm câu trả lời cho 2 câu hỏi: Làm thế nào để hiện đại hóa thể chế thị trường và quản trị quốc gia, từ đó tạo ra môi trường cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực tăng trưởng quan trọng? Phương án chính sách nào để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo và tận dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0?

“Chúng ta đã lột xác một nửa thì nên lột xác tiếp”

Theo đánh giá của TS. David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings, Hoa Kỳ đồng thời là nguyên Giám đốc Quốc gia WB tại Trung Quốc,  so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động xuất khẩu trực tiếp vẫn do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm. “Điều cần làm là xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và dành phần còn lại cho các doanh nghiệp tư nhân. Mở cửa các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, viễn thông cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận đầu vào tốt hơn”, TS. David Dollar nói.

“Kinh nghiệm về tự do hóa tài chính cho thấy thành công nhiều nhất là những quốc gia cải cách và tiếp cận từng bước”, ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, WB tại Việt Nam tiếp lời. “Có thể bắt đầu bằng việc tự do hóa những dòng vốn ổn định hơn và từng bước mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài”. Đối với trường hợp Việt Nam, dòng vốn đổ vào đáng kể dưới hình thức FDI nhưng theo ông Alwaleed Alatabani cần tăng cường kết nối khu vực tư nhân với khu vực FDI.


Toàn cảnh VRDF 2019

Bàn về hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay là chọn một hệ chuẩn và vận hành phát triển bộ máy theo hệ chuẩn đó. “Chúng ta đã lột xác một nửa thì nên lột xác tiếp”, ông Dũng nói và khẳng định, Việt Nam đã bỏ mô hình kế hoạch hóa từ năm 1986. Theo ông Dũng, có 2 mô hình có thể theo là mô hình Nhà nước điều chỉnh và Nhà nước kiến tạo phát triển. Chúng ta nói nhiều về mô hình kiến tạo phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng hành xử ngày càng theo mô hình điều chỉnh như Anh, Mỹ. “Nếu theo mô hình điều chỉnh, rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, ông Dũng lưu ý. Trong khi đó, văn hóa Đông Bắc Á là cơ sở để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển và Việt Nam có văn hóa này. Phân tích kỹ hơn, ông Dũng cho biết, Chính phủ kiến tạo phát triển hiện được hiểu là: “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển”; “Nhà nước không làm thay thị trường”; “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi”...

Theo TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, cải cách thể chế thì không có bản sơ đồ, thiết kế nào, mà tất cả phụ thuộc vào cấu trúc lịch sử, xã hội, kinh tế của mỗi quốc gia để điều chỉnh cho phù hợp. Đối với Việt Nam, ông đề xuất 3 giải pháp. Một, hợp lý hóa, bảo đảm tính tập trung trong công tác tổ chức, nhân sự. Hai là kỷ luật thị trường, cụ thể là minh bạch hơn trên thị trường đất đai và tín dụng; tách biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp được cổ phần hóa với cơ quan quản lý; giám sát chặt chẽ hơn và thực thi nghiêm các quy định về hạn chế rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Cuối cùng là thực thi trách nhiệm giải trình với người dân, áp dụng Chính phủ điện tử và truyền thông xã hội để tăng cường minh bạch và sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định của nhà nước.

Đổi mới sáng tạo để vượt bẫy thu nhập trung bình

Chia sẻ kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình với Việt Nam, ông K. Yogeevaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, cho biết nước này đã mất 27 năm để đi từ một nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập trung bình và mất 22 năm để đi từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình lên thu nhập cao. “Để trở thành quốc gia có thu nhập cao, chúng tôi xác định, phải tăng cường vào vốn con người; chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; cải cách thể chế và quản trị nhà nước; nâng cao năng suất ở cả 3 cấp độ can thiệp là quốc gia, ngành và doanh nghiệp; và đổi mới sáng tạo để hướng tới thịnh vượng”, ông  K. Yogeevaran nói.

Từ thành công của Hàn Quốc trong xây dựng nền kinh tế công nghệ thông tin, GS. Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (UST) cho biết nguồn nhân lực là chìa khóa để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi này. Trong nền kinh tế công nghệ thông tin, chúng ta cần “lực lượng lao động tri thức” chứ không phải “lực lượng lao động công nghiệp”. Một quốc gia phải được chuẩn bị về mặt công nghệ để thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế công nghệ thông tin. Tính sẵn sàng về công nghệ chỉ có thể có được thông qua R&D và học hỏi, điều này đòi hỏi năng lực và đầu tư hấp thụ công nghệ lớn. Ông cũng nhấn mạnh rằng, để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế công nghệ thông tin, Chính phủ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.

Bà Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Bộ trưởng Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo của Indonesia cũng cho rằng, để hấp thụ được những công nghệ tiên tiến, Việt Nam cần có sự chuẩn bị về mặt nhân lực để đáp ứng nhu cầu các ngành, doanh nghiệp, trong đó cần gắn kế hoạch phát triển nhân lực vào kế hoạch phát triển chung. Theo bà, Việt Nam nên chú trọng thúc đẩy chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường liên kết trong các chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung về phát triển mật độ công nghiệp, thu hút nhân tài nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, hợp tác kết nối giữa cơ sở nghiên cứu và cơ sở giáo dục… hướng đến tăng năng suất.

“Không có cách nào khác là phải hành động”

Phát biểu tại phiên toàn thể của VRDF 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với nhiều nhận định của các chuyên gia quốc tế về những yếu kém, hạn chế của Việt Nam và khẳng định những hạn chế yếu kém đó không làm Việt Nam chùn bước mà càng thôi thúc Việt Nam hành động, vươn lên. “Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. “Nhân rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề... Trong tình hình đó, đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ.

Hà Lan