Không chia sẻ thông tin

- Thứ Ba, 11/01/2022, 06:31 - Chia sẻ
Mặc dù văn bản pháp luật quy định việc chia sẻ hình ảnh, thông tin của người khác trên các trang thông tin đại chúng, mạng xã hội… khi không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này đã “mặc nhiên” bị bỏ qua, nhất là trong những vụ việc đang được các cơ quan chức năng giải quyết.

Gần đây nhất, hình ảnh, thông tin của những đứa trẻ sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã bị nhiều cá nhân vô tư chia sẻ trên mạng xã hội, thậm chí có một số báo đã khai thác lại thông tin, có sử dụng ảnh của các em (mặc dù có che mặt lại); hoặc hình ảnh, thông tin của cháu bé tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bị bạn gái của bố và bố bạo hành dẫn đến tử vong…

Liên quan đến vấn đề này, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Đối với trẻ em, tại Khoản 11, Điều 6 Luật Trẻ em quy định về các hành vi nghiêm cấm trong đó có: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Điều 2, Luật Trẻ em cũng nêu rõ “trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Liên quan đến các em nhỏ sống tại "Tịnh thất Bồng Lai", đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhóm trẻ em tại đây đều có giấy khai sinh, các em được mẹ đứng tên chăm sóc, có nơi ăn, chốn ở tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Nơi đây cũng không được coi là cơ sở bảo trợ xã hội, nhà chùa mà họ chỉ nhân danh. 

Chính vì vậy, việc chia sẻ thông tin chi tiết về hình ảnh, tên, tuổi của các bé và mẹ ruột tại “Tịnh thất Bồng Lai” là vi phạm Điều 31, Nghị định 130/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Theo đó, hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.

Có thể thấy, bên cạnh những quy định của pháp luật là phong tục tập quán, đạo lý của người Việt, ở góc độ nhân văn, hành xử giữa con người - con người thì việc chia sẻ hình ảnh, thông tin của người đó, nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong những vụ việc bị bạo hành, bị xâm hại, những vụ việc các cơ quan chức năng đang trong quá trình giải quyết... là điều không nên, nhất là khi những thông tin đó chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, câu like, câu view… Trong khi chờ các cơ quan vào cuộc kết luận vụ việc, xử lý các hành vi vi phạm khi chia sẻ thông tin thì một việc làm đơn giản nhưng nhân văn nhất chính là ngừng chia sẻ, phát tán những thông tin liên quan đến trẻ.

Đình Khoa