Chính sách và cuộc sống

Không chỉ là nguồn lực!

- Thứ Hai, 04/11/2019, 07:45 - Chia sẻ
“Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc xây dựng Luật Đồng bằng để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và phát triển các đồng bằng, như đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) kiến nghị tại phiên họp toàn thể của QH về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vừa qua.

Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đang trở nên gay gắt và gây ra hậu quả nặng nề hơn bao giờ hết. An ninh nguồn nước hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nước biển dâng, xâm nhập mặn, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong làm cho nhiều con sông bị thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gia tăng nghiêm trọng tình trạng sụt lún, sạt lở, nguồn lợi thủy sản và năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi bị giảm mạnh, đe dọa đến sinh kế và đời sống của hàng chục triệu người dân đồng bằng. Nếu trước đây, vấn đề làm đê bao chống lũ phục vụ sản xuất có vẻ phù hợp, giúp hạn chế tác động của lũ đến sản xuất, đời sống người dân thì nay có thể không còn hợp lý nữa, thậm chí gây tác động tiêu cực trong sản xuất, gây ngập ở các địa phương hạ nguồn. Ví dụ như TP Cần Thơ, sạt lở cả 2 bờ dòng sông, lở cả đầu vàm cho đến trong ngọn các kênh rạch. Hay như Kiên Giang, tình hình sạt lở bờ biển phía Tây đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi đã sạt lở sâu vào đất liền khiến nhiều người dân mất đất, mất nhà... Đó mới chỉ là những nét phác họa sơ lược được ĐBQH các tỉnh ĐBSCL phản ánh tới QH với chung một nỗi lo lắng: Nội lực của các tỉnh trong vùng không thể nào giải quyết được những hậu quả này cũng như ứng phó với các thách thức phía trước mà cần phải có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương.

Nói như vậy không phải là phủ nhận những nỗ lực và nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến phát triển bền vững ĐBSCL đã được Nhà nước ban hành vừa qua. Điển hình là Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu - được đánh giá là Nghị quyết “thuận thiên” - đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 17.11.2017. Hơn 2 năm qua, Thủ tướng cũng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu như: Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2018 - 2020 để đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ; phê duyệt Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 với 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp... Dù vậy, trên thực tế, Nghị quyết 120 vẫn rất chậm đi vào cuộc sống, trong đó, việc phân bổ nguồn lực đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết này đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa kịp thời.

ĐBSCL là địa bàn trọng điểm của chiến lược an ninh lương thực quốc gia, đóng góp tới 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng những “kịch bản” về tác động của biến đổi khí hậu, các công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đối với khu vực này đang ngày càng tệ hơn. Vì thế, phát triển bền vững ĐBSCL là câu chuyện không thể nôn nóng, vội vàng nhưng cũng không thể chậm trễ, nấn ná thêm.

Nghị quyết 120 về cơ bản đã tạo khung khổ pháp lý cho vấn đề hệ trọng này nhưng rõ ràng, nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 cần được thực hiện quyết liệt với chiến lược bài bản và tầm nhìn dài hạn hơn. Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch vùng tích hợp cho ĐBSCL, bảo đảm tính toàn diện, sáng tạo, tối ưu hóa và ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan. Các nguyên tắc trong Quy hoạch vùng tích hợp phải là định hướng cho các quy hoạch và kế hoạch phát triển KT - XH của từng tỉnh trong vùng để không lặp lại câu chuyện quy hoạch thiếu nhất quán, chồng chéo và đầu tư không hiệu quả trước đây.

Cũng cần nói thêm rằng, điều quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết 120 không chỉ là vấn đề nguồn lực. Có thể không nhất thiết phải xây dựng một đạo luật về đồng bằng, hay thậm chí là một đạo luật riêng về ĐBSCL nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, đã đến lúc cần chấm dứt những cách làm cũ, xây dựng thể chế mạnh mẽ, phân quyền rõ ràng hơn từ việc cung cấp thông tin và định hướng cho quy hoạch vùng, quyền lựa chọn các dự án đầu tư cấp vùng để tài trợ, cấp vốn đến quyền huy động nguồn tài chính từ nhà nước và tư nhân, quyền giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch tích hợp vùng...

Lam Anh