Không chỉ là kỳ quan

- Thứ Hai, 12/10/2020, 07:17 - Chia sẻ
Đắp đê, lấn biển, xây dựng đảo nhân tạo, mở rộng diện tích… đó là những ý tưởng không lạ với nhiều quốc gia. Song với thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), mỗi quần đảo nhân tạo được xây dựng phải là siêu dự án, nơi hội tụ đầy đủ các điểm ưu tú như hiện đại nhất, độc đáo nhất và thân thiện với môi trường.

Những kỳ tích tuyệt vời

Thành phố Dubai vốn nổi tiếng với các hòn đảo nhân tạo. Chính quyền thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền của và công nghệ để lấn biển, tạo ra một vùng đất mới cho người dân. Những năm đầu thế kỷ XXI, người ta kỳ vọng sẽ xây dựng 4 quần đảo nhân tạo quy mô bậc nhất thế giới tại nơi đây.

Dự án siêu quần đảo The World của thành phố Dubai

Giữa năm 2001, quần đảo đầu tiên mang tên Palm Jumeirah bắt đầu được tiến hành xây dựng. Công trình này có hình dáng của cây cọ, với thân cây, 16 nhánh lá, bao quanh bởi đê chắn sóng dài 11km là một hòn đảo lưỡi liềm. Một điểm khá đặc biệt là Palm Jumeirah được xây dựng hoàn toàn từ cát và đá (không sử dụng bê tông hay thép) và là hòn đảo nhân tạo lớn đến mức có thể quan sát được từ không gian vũ trụ, một trong những ý tưởng kiến trúc đáng kinh ngạc nhất của loài người. 

Khi xây dựng công trình, giới chức Dubai tuyên bố, quần đảo này “không có gì ngoài sang trọng” với những biệt thự xa hoa, căn hộ và nhà phố trang nhã, khách sạn năm sao, chuỗi nhà hàng quốc tế và những điểm tham quan đẳng cấp thế giới thu hút người giàu có và nổi tiếng. Do những biến động của thế giới, việc xây dựng các quần đảo tiếp theo có vẻ chững lại, song tham vọng ấy đang tiếp tục được nuôi dưỡng khi thời gian gần đây, một khu đảo nhân tạo mới có tên The World đang được hình thành. Quần đảo được gửi gắm sứ mệnh phải tạo ra hình ảnh Dubai chinh phục thiên nhiên.

Tại nơi đây, bất chấp khí hậu sa mạc, một rừng cây xanh mát vẫn mọc lên. Bên trong quần đảo là những dự án bất động sản siêu sang với điểm nhấn đặc biệt nhất là những khu nhà được thiết kế trong lòng biển, như một thủy cung xanh mát. Ông Josef  Kleindienst, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Kleindienst cho biết: “Khi chính quyền Dubai yêu cầu các nhà đầu tư phải mang đến dự án có tính sáng tạo, đầu tiên và duy nhất, chúng tôi quyết định tạo nên loại biệt thự này”.

Dù ở trong nhà, bạn vẫn có thể ngắm được đáy biển, với những đàn cá bơi lượn tung tăng. Để thực sự tạo ra cảm giác được sống trong hệ sinh thái của đại dương, điều quan trọng nhất là phải gọi được cá về. Với mục đích mang cả thế giới thu nhỏ vào đây, The World được thiết kế theo ý tưởng, nếu khu vực này là châu Âu, không chỉ có những đặc trưng kiến trúc châu Âu mà còn phải tạo ra được khí hậu châu Âu giữa Dubai.

Tầm nhìn chiến lược

Dĩ nhiên, để sở hữu một căn biệt thự siêu sang như vậy, người ta phải bỏ ra ít nhất 5,5 triệu USD. Đây có thể là nơi nghỉ dưỡng cho gia đình, bạn bè, nhưng cũng có thể là nguồn tạo ra thu nhập. Những khi không sử dụng, chủ nhà có thể ký hợp đồng cho thuê.

Đó là hàng loạt ý tưởng và mục tiêu khi xây dựng quần đảo này. Và mục tiêu càng lớn, thách thức càng nhiều, nhất là với những khoản đầu tư có giá trị khổng lồ. Tuy nhiên, giới chức Dubai khẳng định không gì có thể khiến họ từ bỏ tham vọng và quần đảo The World có thể được đưa vào sử dụng từ cuối năm nay. Thực tế cho thấy, việc xây dựng quần đảo Palm Jumeirah giúp tăng thêm 78km bờ biển cho thành phố. Điều đó cũng kéo theo sự gia tăng dân số gấp 10 lần, giúp thành phố phát triển hơn.

Cùng với Palm Jumeirah, quần đảo The World đang được định hình là những dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tạo nên thanh danh cho Dubai. Không giống như Singapore lấn biển để tạo thêm đất sống cho người dân, Dubai không chịu sức ép về đất chật người đông. Nhưng xây dựng đảo nhân tạo là chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố vùng Vịnh này.

Dubai coi trọng mỗi mét vuông bờ biển là mỗi khối vàng. Điều khác biệt ở chỗ, chính quyền thành phố hướng đến làm kinh tế biển không chỉ đơn giản là xây một số khu nghỉ dưỡng hay một số trò chơi biển mà phải sáng tạo hơn thế. Chính bởi vậy, tuy chi phí xây dựng không phải là bài toán dễ dàng nhưng Dubai chấp nhận cuộc chơi để gây dựng hình ảnh dựa trên những ý tưởng táo bạo. Dubai bắt đầu khai thác dầu mỏ từ năm 1969 nhưng đến nay, thu nhập từ nguồn khai thác này chỉ chiếm chưa đến 1% GDP trong khi du lịch chiếm đến 20%. Con số đó phần nào giải thích cho việc vì sao thành phố cần phải có nền kinh tế năng động và đa dạng.

Người ta hy vọng, các siêu dự án đảo nhân tạo sẽ mang lại tiềm năng kinh tế rất lớn, đồng thời như gói bảo hiểm giúp Dubai có thể trụ vững trước những biến động của vàng đen.

Ngọc Minh