Chuyển đổi số hợp tác xã nông nghiệp

Không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà là chuyển đổi tư duy

- Thứ Hai, 18/10/2021, 10:38 - Chia sẻ
Chuyển đổi số là bước đi để nông nghiệp phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tap như hiện nay. Tuy nhiên việc chuyển đối số chỉ đang được các doanh nghiệp lớn thực hiện, riêng tại các hợp tác xã nông nghiệp và các nông hộ, việc chuyển đối số vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hợp tác xã cần phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phần mềm để quản lý từ khâu sản xuất tới tiêu thụ

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước có 17.363 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, có 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Trong số các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao chỉ có 240 hợp tác xã sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%, chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được quan tâm… Điều này khiến các hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái.

Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực chưa cao làm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ cao. Đa số thành viên tham gia hợp tác xã nông nghiệp xuất phát từ nông dân, trình độ tiếp cận thị trường chậm, khoa học công nghệ còn kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc nắm bắt thông tin thị trường, công tác kết nối giao thương với các siêu thị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hạn chế, chưa thường xuyên. Đầu tư sản xuất công nghệ cao đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi hầu hết các hợp tác xã đều thiếu vốn.

Ngoài ra, qua khảo sát tại một số hợp tác xã thuộc 3 tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Trần Tuấn Việt cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành chỉ ở mức cơ bản. Hầu hết các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin được hợp tác xã sử dụng là miễn phí từ hỗ trợ của cơ quan thuế, sở khoa học công nghệ, Liên minh hợp tác xã tỉnh hoặc các tổ chức quốc tế khác. Nhiều hợp tác xã còn không có máy vi tính, hoặc có thì máy đã cũ và cấu hình thấp, chỉ một số văn bản được số hóa và lưu trữ trên máy vi tính. Nhiều hợp tác xã vẫn chủ yếu lưu trữ văn bản giấy, ghi chép sổ sách một cách đơn giản.

“Các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu là ứng dụng các công nghệ tự động hoá, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin chưa đa dạng, phần lớn là sử dụng các trang mạng xã hội theo hướng đơn giản, chi phí thấp”, ông Trần Tuấn Việt nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế Đặng Văn Chính, hiện vẫn còn nhiều hợp tác xã chưa sẵn sàng thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Mặt khác, nhiều công cụ (phần mềm) vẫn chưa dễ sự dụng, đem lại tiện lợi cho người dùng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1318/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Vì vậy, để chuyển đổi số hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra, các hợp tác xã cần phải thay đổi tư duy, vượt ra khỏi suy nghĩ làm nông nghiệp thuần túy, thay vào đó là làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Các hợp tác xã cần phải không ngừng cập nhật kiến thức, tham gia tích cực các khóa huấn luyện, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong phát triển hợp tác xã theo hướng hiện đại, bền vững; Huy động nguồn lực, trang thiết bị để hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi số.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng cần phù hợp với từng hợp tác xã (cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…) mà không chạy theo sự áp đặt của công nghệ, dẫn tới sự “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng vận dụng của người dùng.

Xuân Tùng