Không chạy theo số lượng

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:24 - Chia sẻ
"Các nước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế theo hướng hội nhập kinh tế, tạo điều kiện thương mại thuận lợi, nếu Việt Nam không kịp thời sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành thì sẽ tụt hậu" là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Chí Hiếu tại cuộc họp với các bộ, ngành về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Theo kết quả rà soát ban đầu của Bộ Tư pháp có 25 luật cần sửa đổi, bổ sung. Như vậy, số lượng các văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị quyết là tương đối nhiều, trong khi đây mới chỉ là sự rà soát bước đầu của Bộ Tư pháp. Trong khi đó, thông thường tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa mới, Quốc hội chủ yếu bàn về công tác tổ chức, nhân sự. Số lượng văn bản cần sửa đổi và thời điểm phải hoàn thành kịp trình Chính phủ (tháng 6.2021) là áp lực không nhỏ đối với cơ quan được giao trách nhiệm chuẩn bị Dự thảo.

Để kịp hoàn thiện Dự thảo, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, việc rà soát, đề xuất sửa đổi cần bám sát các tiêu chí: Có mâu thuẫn, chồng chéo; đặc biệt thực sự đang gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, đời sống xã hội. Đặc biệt, trong quá trình rà soát, cần dự trù các yếu tố có thể ảnh hưởng đến phạm vi sửa đổi, bổ sung để xây dựng các phương án xử lý thích hợp. Hiện, Bộ Tư pháp yêu cầu các bộ gửi văn bản rà soát các quy định vướng mắc vào ngày 20.6.2021.

Trước đó, tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16.4.2021, Chính phủ giao trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo quyết định và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Trong đó nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số luật, nghị định như: Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Xây dựng…

Có thể thấy, số lượng văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, không vì chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng văn bản. Trước mắt, liên quan đến việc tiếp tục rà soát, lấy ý kiến bộ, ngành về Dự thảo, Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan tham mưu, tổng hợp, chuẩn bị xây dựng Dự thảo cần làm việc với các bộ, ngành theo nhóm, chẳng hạn: Nhóm có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ gây vướng cho đầu tư kinh doanh; Nhóm có nội dung gây vướng cho đời sống xã hội.

Đồng thời, Bộ Tư pháp không làm thay các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện đánh giá tác động, đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, quá trình rà soát cần phải chú trọng công tác tổng hợp ý kiến từ địa phương, các sở, ngành chuyên môn; cộng đồng doanh nghiệp, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp; tổ chức xã hội… để có thêm được tiếng nói đa chiều, tiếng nói từ thực tiễn áp dụng pháp luật.  

Đình Khoa