Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú

Không chạy theo huy chương

- Thứ Ba, 12/11/2019, 07:39 - Chia sẻ
Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú hiện nay, nếu đề cao số lượng huy chương đạt được, mà đặt nhẹ việc đánh giá tài năng nghệ thuật thực sự của nghệ sĩ, uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, thì danh hiệu này sẽ ngày càng mất giá trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ phiếu bầu của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nên giảm xuống còn 75% hoặc phải đạt ít nhất 80% số phiếu đồng ý, so với quy định 90% như Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, vì trong lĩnh vực nghệ thuật khó đạt được tính thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu. Với quy định như hiện nay, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ có 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước...

“Ra ngõ gặp NSND, NSƯT”

Sáng 11.11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú (NSND, NSƯT). Đây có thể coi là căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Triển khai thực hiện Nghị định, từ năm 2015 đến nay, qua 2 đợt xét tặng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch Nước xét, phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND cho 186 NSƯT, và danh hiệu NSƯT cho 686 nghệ sĩ. Việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ cống hiến hết mình cho văn học nghệ thuật nước nhà, say mê sáng tạo và biểu diễn.


Quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vẫn còn bất cập Ảnh: Ng. Phương

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu, nên mỗi lần xét tặng lại có ý kiến, đơn thư, thậm chí khiếu kiện của tập thể, cá nhân... Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: “NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý, nhưng trong quá trình xét tặng còn có vấn đề. Bởi cứ lấy huy chương ra để xét, thì nhiều cuộc tổ chức liên hoan, cuộc thi, bằng mọi cách để có huy chương. Có nghệ sĩ còn nói cứ phong danh hiệu đi, để NSND, NSƯT nhiều lên, ra ngõ gặp NSND, NSƯT. Có thể thấy, nếu phong tặng quá nhiều, giá trị của danh hiệu ngày càng đi xuống”.

NSND Thanh Hoa cũng đồng tình: “Huy chương vàng trong những buổi biểu diễn chuyên nghiệp không phục vụ đông đảo quần chúng. Có những vở, vai chính đều đạt huy chương vàng, nhân dân không biết, thậm chí nhiều NSND, nhân dân chẳng biết là ai, cống hiến rất ít. Dù rằng, huy chương rất cần để khuyến khích trong các hội diễn, để đánh giá tài năng, sự phát triển nghệ thuật, nhưng không phải đánh giá cống hiến với xã hội. Do đó, cần xem lại, NSND là nghệ sĩ cống hiến cho nhân dân, hay chỉ trong ngành? Tôi cho rằng, ngoài huy chương, sự cống hiến của nghệ sĩ để lan tỏa nghệ thuật trong xã hội, được khán giả, nhân dân yêu quý còn quan trọng hơn nhiều”.

“Định nghĩa về việc thế nào là NSND, NSƯT, qua trao đổi nhiều năm cũng đã định hình. NSƯT là nghệ sĩ xuất sắc. Nhưng NSND thì xuất sắc chưa đủ, mà phải là nghệ sĩ xuất chúng. Họ phải là người mang dấu ấn của đất nước, dân tộc, mang dấu ấn của nền nghệ thuật nước nhà thì mới xứng đáng được tôn vinh... Không thể cộng năm tháng làm nghề lại để trở thành NSƯT, cũng như không thể cộng tiết mục để trở thành NSND” - NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nêu quan điểm.

Bạc không thể biến thành vàng

Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành với các nội dung quy định rõ ràng, nhiều quy định mới đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nghệ sĩ trong quá trình làm hồ sơ. Tuy vậy, tại hội nghị, nhiều nghệ sĩ cho rằng, không nên tiếp tục áp dụng quy đổi giải thưởng trong các lĩnh vực. “Quy đổi này vô lý, không quy đổi 2 huy chương bạc thành 1 huy chương vàng. Bạc là bạc, vàng là vàng” - NSND Thanh Hoa góp ý.

Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, vai trò cá nhân trong biểu diễn nghệ thuật cần được nhìn nhận tuyệt đối. Ví dụ, một vở múa, chỉ diễn viên múa chính được huy chương vàng, chứ không thể chia đều cho tất cả diễn viên cùng tham gia vở múa, nếu có 3 người, mỗi người được 1/3 huy chương Vàng, 5 người, mỗi người được 1/5 huy chương Vàng... rồi cộng lại, quy đổi sẽ tạo ra sự bất cập. NSND Nguyễn Văn Quang, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho rằng: “Từ góp nhặt, quy đổi ra như vậy thì có gì đó không công bằng, bởi một số diễn viên múa quy đổi thì đủ, nhưng đánh giá thực lực, ảnh hưởng xã hội, đồng nghiệp mến mộ thì không đủ. Đó là chưa nói tới, huy chương được công nhận ở đâu đó có giá trị đích thực là vàng, bạc hay không”...

Việc xét huy chương cũng khiến một số nghệ sĩ thiệt thòi. Như có nghệ sĩ lão thành, đóng góp nhiều trong những năm tháng kháng chiến, hoặc cho nền văn hóa nghệ thuật tại địa phương; hoặc các nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... do đặc thù ngành nghề ít có cuộc thi. Với một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, đào tạo mang tính truyền nghề cũng khó xác định thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật…

NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ: Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 vừa qua đã xét đặc cách cho các đối tượng có nhiều năm cống hiến, chẳng hạn các thế hệ nghệ sĩ đầu của điện ảnh, từng tham gia kháng chiến. Giới điện ảnh rất hoan nghênh, nhưng để thống nhất cho các ngành nghệ thuật, các cơ sở, thì cần có văn bản gửi các lĩnh vực văn học nghệ thuật, để tôn vinh hết lớp nghệ sĩ đã có bề dày cống hiến.

Ngọc Phương