Không chấp nhận tác phẩm cũ mòn

Hương Sen 04/04/2022 03:59

Trong tuần qua diễn ra liên tiếp lễ phát động 2 cuộc sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Nhiều họa sĩ cho rằng, tranh cổ động không chỉ là vài hình vẽ quen thuộc với mấy dòng chữ khẩu hiệu mà phải thực sự là tác phẩm mỹ thuật. Những họa sĩ tranh cổ động chân chính sẽ luôn trăn trở, suy tính để nghĩ ra những hình tượng, hình thức thể hiện mới. Mới với chính mình chứ không đi vào lối mòn, khuôn mẫu.

Tạo phong cách riêng

Theo họa sĩ Hà Huy Chương (Hải Dương), những người theo dòng tranh cổ động chuyên nghiệp, tâm huyết, có tìm tòi sáng tạo ngày càng ít. Hiện toàn quốc có trên 40 họa sĩ chuyên sáng tác tranh cổ động. Không ít người lười biếng, suy nghĩ dễ dãi, chỉ biết cắt ghép tạo ra những sản phẩm chất lượng kém. Điều đó để lại tiếng xấu cho các họa sĩ chân chính và làm xấu hình ảnh tranh cổ động.

Họa sĩ Hà Huy Chương cho rằng, yêu cầu đầu tiên đối với tác phẩm tranh cổ động là phải dễ hiểu, ai xem cũng hiểu và hình thức đẹp. Để được vậy, họa sĩ phải có ý tưởng, xuất phát từ nội dung cụ thể, ví dụ tuyên truyền cho các ngày lễ lớn hay về Đại hội Đảng, Đại hội Đoàn… “Ý tưởng mà họa sĩ thể hiện ra phải có sự tìm tòi sáng tạo, thậm chí phải có tiếng nói riêng, nhưng tiếng nói ấy phải hòa đồng với mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền. Tác giả tranh cổ động cũng nên thể hiện được dấu ấn, phong cách riêng. Việc làm này cũng để làm phong phú tác phẩm, thêm màu sắc cho cuộc tuyên truyền”.

Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của họa sĩ Hà Huy Chương
Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của họa sĩ Hà Huy Chương

Với họa sĩ Phạm Bình Định (Hội Mỹ thuật Việt Nam), ông đặc biệt đề cao yếu tố chuyên môn, “ngoài ra người làm tranh cổ động còn phải nắm vững, thấm nhuần đường lối chính trị, hiểu biết sâu sắc văn hóa - xã hội, rung cảm với cuộc sống... Muốn vậy, không cách gì khác, họa sĩ phải tự trau dồi kiến thức thường xuyên, liên tục”. 

Đoạt hai giải cao nhất khi tham gia các cuộc thi sáng tác tranh cổ động về ngày sinh nhật Bác và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2019, họa sĩ Phạm Bình Định chia sẻ, nếu không nghiên cứu kỹ, không sáng tạo sẽ khó có tác phẩm đạt chất lượng cao, dễ bị trùng lặp. “Những năm gần đây, nhiều cuộc thi sáng tác tranh cổ động đưa tiêu chí không lặp lại chính mình. Đó là điều rất khó, cùng một chủ đề nhưng mỗi người phải tìm ra điều gì đó mới hơn, lạ hơn, nhưng vẫn phù hợp và mang màu sắc, ý nghĩa chính trị, đúng tính chất của tranh cổ động”, họa sĩ Phạm Bình Định nói.

Tìm đúng hình tượng, kể đúng câu chuyện

Từng thành công trong một số cuộc vận động sáng tác tranh cổ động, họa sĩ Trần Quang Thái, Hội Mỹ thuật Việt Nam kể, anh thực sự ấn tượng trong lần tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động, triển lãm “Chiến thắng B52” năm 2006. “Khi đến thực tế tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tôi thấy nhiều mảnh xác máy bay rất sinh động. Sau khi hoàn thành một phần bức tranh cổ động, tôi cảm giác như phác họa những mảnh sắt vụn, thiếu hình tượng, không có ý nghĩa. Sau đó một tháng, tôi phải đi tìm hình ảnh đối lập để thực hiện nốt tác phẩm của mình. Đó là chiếc mũ sắt của lính Mỹ, song vẫn chỉ là một đống sắt. Cuối cùng tôi thể hiện đôi chim hòa bình, gần với ngôn ngữ của tranh cổ động, bức tranh khi đó mới thành công và có giải thưởng”.

Cũng theo họa sĩ Trần Quang Thái, sáng tác tranh cổ động khó ở chỗ cần sự cô đọng. “Trong mọi sáng tác, vấn đề điển hình hóa, hình tượng hóa phải đưa lên hàng đầu. Những bức tranh cổ động để công chúng nhớ đến 5 - 6 thập kỷ sau chính là phải tìm đúng hình tượng, kể đúng câu chuyện”.

Nhiều họa sĩ cho rằng, tranh cổ động không cần quá phức tạp. Các chất liệu như chì, màu nước, sơn dầu, bột màu… đều được sử dụng vẽ tranh cổ động và phương pháp vẽ không nhất thiết là mảng bẹt, mảng khối, mà có thể dùng cả phương pháp tạo hình (hội họa)… Tuy nhiên, màu sắc càng đơn giản, càng ít màu, tranh càng mang ý nghĩa đặc thù của tranh cổ động. Thông thường từ 2 - 4 màu là đẹp. Màu sắc hài hòa, gam màu tươi sáng, có màu chủ đạo thì tranh có sức thuyết phục cao. Tùy theo nội dung tranh mà tác giả có thể dùng gam nóng, gam lạnh… vì màu sắc là biểu hiện tình cảm của con người.

“Thể hiện nội dung sáng tác tranh cổ động tại thời điểm hiện nay không đơn giản, bởi chúng tôi từng tham gia nhiều cuộc vận động sáng tác tranh cổ động, tuyên truyền, song rất ít tác phẩm thực sự xuất sắc. Vẽ làm sao để tác phẩm ấn tượng, thể hiện những đề tài cốt lõi, những vấn đề mới trong tác phẩm, kể được câu chuyện đúng theo yêu cầu là điều mà các họa sĩ trẻ cần lưu ý”, họa sĩ Hà Huy Chương chia sẻ. 

Còn họa sĩ Nguyễn Kim Thành, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, cho rằng, người theo đuổi mảng tranh cổ động cần chỉn chu trong phác thảo bố cục, thận trọng lúc lên ý tưởng nội dung và cuối cùng phải chú ý kết cấu cho bức tranh hoàn hảo để truyền tải nội dung chủ đề, không chấp nhận tác phẩm dễ dãi, cũ mòn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Không chấp nhận tác phẩm cũ mòn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO