Trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề nghị giải thích khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên cơ sở Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25.5.2020 về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được ban hành và có hiệu lực từ ngày 25.5.2020. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Luật cũng như các Nghị định nêu trên chưa xác định rõ thẩm quyền, quy trình, thủ tục đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp nhà nước vay lại 100%.
Đối chiếu các quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là khoản để bù đắp bội chi, do đó, không thuộc phạm vi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 nên không phải là vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Về tính đặc thù của nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp vay lại 100% vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, Tờ trình chỉ rõ: các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho vay lại 100% phần lớn là các dự án đầu tư lớn và do các doanh nghiệp nhà nước làm chủ dự án. Xét về bản chất, nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi do Chính phủ đứng ra ký Hiệp định vay với phía nhà tài trợ nước ngoài và là nợ của Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017. Trong trường hợp phát sinh các rủi ro của bên nhận vay lại, Chính phủ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho phía nước ngoài theo các điều kiện tại Hiệp định vay đã ký. Dù nguồn vốn này cấp phát/vay lại cho các bộ/địa phương hay cho doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% thì tất cả nguồn vốn này vẫn là nghĩa vụ nợ trực tiếp của ngân sách nhà nước.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Khoản 22 Điều 4 của Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về vốn đầu tư công bao gồm: vốn ngân sách nhà nước; vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khái niệm vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 5 Luật Ngân sách Nhà nước 2015, phạm vi sẽ gồm: thu ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước. Điểm b Khoản 4 Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước cũng quy định bội chi ngân sách Trung ương được bù đắp từ nguồn vay nước ngoài từ các khoản vay của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại.
Quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng, theo đó, các khoản vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100% không phải là vốn đầu tư công. Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, không cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích lại quy định trên. Đối với việc quản lý các dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho doanh nghiệp vay lại 100%, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần rà soát các quy định của Luật Quản lý nợ công và các Luật liên quan để thực hiện.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Đầu tư công đã rõ ràng. Không cần thiết ban hành một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải thích. Trên tinh thần đó, Chính phủ cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý nợ công, đầu tư công và các luật có liên quan để thực hiện.