Không cần thanh kiếm dài

- Chủ Nhật, 09/09/2012, 09:23 - Chia sẻ
Là tôi đang nói đến việc ghi tên cha mẹ trên giấy tùy thân. Cần mở ngoặc ngay tôi có đủ cha mẹ - những người đủ tư cách, đức hạnh để tôi hãnh diện. Nhưng tôi không ủng hộ việc ghi tên cha mẹ vào chứng minh nhân dân (CMND). Tôi cũng biết, ngày 21.8, sau nhiều phản đối của dư luận, Bộ Công an đã tạm dừng triển khai Thông tư quy định mẫu CMND có tên cha mẹ; nhưng tôi vẫn lên tiếng vì nguy cơ trở lại của nó, và vì những vấn đề liên quan đến nhân văn, văn hóa.

Về lý, việc ghi tên cha mẹ vào giấy tùy thân, như phân tích của Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn, là không phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, lẫn Luật Dân sự của ta về bí mật đời tư. Về tình, ông Sơn cho rằng với những công dân may mắn có cha mẹ làm “quan” thì đưa thông tin này có lợi khi giải quyết công việc, thậm chí sử dụng để dọa dẫm ai đó. Nhưng với những người có cha mẹ không may gặp “vấn đề”, thì việc này phản cảm. Ông Sơn nói phản cảm, nhưng tôi cho rằng nó phản nhân văn, và thiếu nhân đạo nữa khi nối dài nỗi đau của những người không rõ cha mẹ.

Tôi cũng thích ý kiến của ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp,  rằng cơ quan chức năng không được viện cớ tiện cho quản lý mà vi phạm quyền công dân. Rằng quy định mới này không phù hợp với văn hóa tâm linh của người Việt, khi mà cha mẹ luôn là đối tượng thiêng liêng, bảo kính. Chính vì sự thiêng liêng, bảo kính đó mà dân gian thường mang tên cha mẹ của kẻ mình bất nhẫn ra rủa xả, như biểu thức tra tấn tinh thần cao nhất. Nếu tên cha mẹ công khai thì chính các nhà quản lý cũng là nạn nhân tiềm tàng của hủ tục này.

Đại diện chính quyền nói CMND mẫu mới không chỉ thuận tiện trong công tác quản lý đối với các cơ quan nhà nước mà còn với cả người dân trong một số giao dịch tài chính, thừa kế, mua bán… “Ngoài ra còn xác định chính xác nhân thân của người đó khi cần phân loại, truy xét”. Bỏ qua câu hỏi có bao nhiêu phần trăm người dân cần phân loại, truy nguyên lý lịch tổ tiên; ngay cụm từ phân loại, truy xét đã cho thấy cái gì đó thiếu nhân văn, bất thường khi mặc định nhân dân như tội phạm tiềm tàng. Oái oăm hơn, cái bất thường đó còn làm tiêu tốn ít nhất 2.000 tỷ đồng ngân sách, theo thừa nhận của nhà chức trách. Từ việc đề xuất mẫu mới CMND và nhiều quyết định, đề xuất đã từng xảy ra trong quá khứ người ta có quyền lo âu tính duy lý, cửa quyền, vẽ việc… đang lấn lướt trong hành pháp.

Lập luận rằng mục đích việc ghi tên cha mẹ vào CMND là để thêm tiêu chí đảm bảo chính xác việc truy nguyên một cá thể trùng tên họ, hoặc để giải quyết những trường hợp một người cùng lúc có hai số CMND, là không thuyết phục. Việc một người có cùng lúc hai số CMND hẳn rất ít và là sơ suất của cơ quan chức năng. Không thể vì thiểu số, vì cái sai của chính quyền mà làm tổn thương đa số nhân dân. Nói mẫu mới CMND tạo thuận tiện cho công tác quản lý đối với các cơ quan nhà nước là đúng, nhưng nó cho thấy một tư duy ích kỷ, ngại khó khi thông tin về cha mẹ đã xuất hiện đầy đủ trong khai sinh, hộ khẩu. Cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ kỹ thuật truy lục khi cần. Ngoài tên họ, đôi khi có thể trùng, CMND còn số, năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú, đặc điểm cá nhân, và bây giờ thêm dấu vân tay.

Về dấu vân tay, ông Trần Thất rất đúng khi nói: “Tôi không thấy ở đâu dễ dàng như chuyện lấy vân tay ở nước ta, cứ đến tuổi là lấy vân tay làm chứng minh thư. Ở một số nước khác chỉ khi nào phạm tội, bị khởi tố thì cơ quan chức năng mới được lấy vân tay của họ”. Vốn người tuân luật pháp, tháng 3 vừa qua (chưa có Thông tư 16/5 của Bộ Công an) tôi đã đi làm lại CMND quá hạn, hơi ngập ngờ khi buộc phải lăn tay, nhưng đành chấp nhận trong hoàn cảnh xứ mình. Mức độ văn minh của một quốc gia thường được đo trên mức độ nhân văn của điều hành xã hội. In vân tay trên giấy tùy thân, chúng ta đã đi tới lằn biên tổn thương dân. Nếu đi xa hơn bằng việc ghi cả tên cha mẹ là chúng ta làm tổn thương luôn diện mạo chính quyền.

Tôi rất thích trả lời của PGS - TS Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật Nguyễn Như Phát trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, khi nói pháp luật không phải để cai trị. Rằng lâu nay ta vẫn nghe khẩu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống, song chưa ai đặt vấn đề đưa cuộc sống vào pháp luật. Rằng pháp luật chỉ chính đáng khi phục vụ cuộc sống. Thực tế cho thấy mọi quốc sách vị nhân sinh đều được người dân ủng hộ, như việc cấm pháo, đội nón bảo hiểm chẳng hạn.

Qua chuyện này và nhiều câu chuyện pháp luật liên quan đến con người khác, tôi bỗng nhớ một đoạn trong bài tưởng niệm cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác của tác giả Nguyễn Khắc Phê: “Ông cũng không còn dịp trở lại Huế để xem bức tượng Quang Trung hoành tráng đã sừng sững bên núi Bân, mà ông đã góp ý là: một ông vua trí dũng song toàn như Nguyễn Huệ không cần cây kiếm dài quá...”. Đúng vậy, một nền hành pháp tự tin, lấy con người làm trung tâm, là đối tượng phục vụ như chúng ta vẫn đề cao trong các nghị quyết, không cần những “thanh kiếm” quá dài.

VIỆT LINH