Không "bỏ trứng vào một giỏ"...

- Thứ Năm, 13/01/2022, 18:45 - Chia sẻ
Xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc hầu như năm nào cũng có dăm ba lần "trắc trở". Lý do có thể là thông quan chậm, thậm chí là "đóng biên"... nhưng đến nay vẫn chưa giải pháp căn cơ.

Như trên dưới một tháng nay, các mặt hàng nông sản, kể cả nông sản xuất khẩu chính ngạch vẫn ùn ứ tại các cửa khẩu thì việc tìm kiếm thị trường mới vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, thậm chí có không ít doanh nghiệp cho rằng khó có thể bỏ thị trường này. Lý do vì đây là thị trường trọng điểm, có sức tiêu thụ mạnh.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu rau quả của nước ta sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 54% thị phần và tiếp tục là thị trường nằm trong top 10 quốc gia xuất rau quả của nước ta.

Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam thì cho rằng, do giá mua nông sản của Trung Quốc cao hơn ở thị trường nội địa. Yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng các mặt hàng nông sản cũng không cao, các điều kiện bảo quản hàng hóa sau thu hoạch cũng không cần phải hiện đại, tiên tiến, đặc biệt là quãng đường di chuyển ngắn giúp nông sản xuất khẩu bảo đảm chất lượng.

Như vậy có thể thấy, những lý do khiến doanh nghiệp chưa thể "dứt" lệ thuộc vào thị trường này là không bền vững. Bằng chứng cụ thể là mới đây, thị trường này đã siết chặt các quy định về tiêu chuẩn an toàn khi nhập khẩu nông sản của nước ta. Yếu tố nữa là nhiều nước khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này nên nếu các doanh nghiệp không có các biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sẽ rất khó cạnh tranh.

Để giải quyết tình trạng này, có ý kiến cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thông tin về các quy định mới để thích ứng. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng phải cùng nhau thay đổi. Phải xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy, không nên "bỏ trứng vào một giỏ".

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ngô Xuân Nam nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay, nước ta đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các quy chuẩn cao và khắt khe nên doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và chuyên nghiệp hơn nữa. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải có bộ phận pháp lý quốc tế, cập nhật thường xuyên các quy định về an toàn thực phẩm và điều kiện của các thị trường, ví dụ như về vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thị trường châu Âu có thể thay đổi liên tục nên nếu doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt sẽ rất dễ vi phạm.

Với việc cấp mã sản phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, theo ông Nam, đây mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng hơn là tổ chức sản xuất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cần phải thay đổi suy nghĩ, đánh giá lại thị trường… Thị trường đã thay đổi rất nhiều nên cần thay đổi để đáp ứng, thích nghi, nếu không hoạt động xuất khẩu sắp tới sang Trung Quốc sẽ còn nhiều khó khăn hơn.

Khương Ninh