Không bỏ sót, tránh trục lợi

- Thứ Hai, 26/07/2021, 21:17 - Chia sẻ
Mặc dù sau nhiều lần sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công với cách mạng, song vẫn có hàng ngàn trường hợp hưởng chế độ ưu đãi không đúng quy định bị phát hiện và đình chỉ trong giai đoạn từ 2016 - 2020.

Kết quả thanh tra toàn diện của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học tại 9 địa phương, gồm: Quảng Trị, Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang, Nam Định, Quảng Nam, Gia Lai, Khánh Hòa, Bình Dương từ năm 2016 - 2020 cho thấy, cơ quan chức năng đã phát hiện, đề nghị các địa phương đình chỉ chế độ hàng nghìn trường hợp sai phạm; kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng nghìn trường hợp Hội đồng Giám định Y khoa của các tỉnh kết luận sai tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, cần điều chỉnh mức trợ cấp.

Đơn cử như tại Nam Định, qua kiểm tra trực tiếp 16.197 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phát hiện, ban hành quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai đối với 212 trường hợp là con đẻ người hoạt động kháng chiến và 82 trường hợp là người hoạt động kháng chiến do không đủ điều kiện, tổng số tiền phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 32.289 tỷ đồng. Đặc biệt, có 3 trường hợp không tham gia hoạt động tại vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học, nhưng khai man để hưởng chế độ…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trục lợi chính sách, trước hết là do lòng tham của một bộ phận người dân, sau đó là ý thức trách nhiệm của những cán bộ, cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt hồ sơ từ cấp xã, cấp huyện đến tỉnh ở một số địa phương chưa tốt. Ngoài ra, ở góc độ chính sách, các chuyên gia cho rằng, một “phần lỗi” là do các văn bản pháp quy chưa bao quát hết được các đối tượng được thụ hưởng. Đơn cử như, việc quy định danh mục loại bệnh tật để hưởng chính sách nhiễm chất độc da cam do Bộ Y tế ban hành. Trong đó, bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính, bán cấp tính và tiểu đường tuýp 2 là hai trong danh mục 17 bệnh, tật được đưa vào diện do phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nhưng thực tế, nhiều người không bị nhiễm chất độc hóa học cũng vẫn bị mắc bệnh này. Từ đó, nhiều người lợi dụng để kê khai thành bệnh tật liên quan.

Với chủ trương không bỏ sót đối tượng thụ hưởng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây bức xúc dư luận xã hội, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020, có hiệu lực kể từ 1.7.2021 đã bổ sung nhiều quy định mới cũng như siết chặt hơn các điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận là người có công với cách mạng nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trục lợi chính sách.

Cụ thể, liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh, Pháp lệnh không tiếp tục quy định xem xét công nhận bệnh binh mới. Chỉ công nhận bệnh binh với trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm và thôi phục vụ trong lực lượng vũ trang tại Khoản 1, Điều 26. Đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục địa danh, danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học tại Khoản 2, Điều 29.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tính đến nay đã qua 7 lần sửa đổi (vào các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012, 2020). Mỗi lần sửa đổi là một lần chính sách người có công được hoàn thiện hơn. Dẫu vậy, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, điều quan trọng là phải bảo đảm chính sách được thực thi hiệu quả. Theo đó cần tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách, không khai man trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, tiếp tay cho các đối tượng trục lợi.

Hải Thanh