Khởi xướng xu hướng mới về sữa học đường
Đó là kết quả của sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo hướng tới việc xây dựng Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường. Quy định này sẽ tạo cơ chế giám sát mạnh mẽ, bảo đảm sữa vào trường học là tốt nhất và theo xu hướng chung của thế giới là sử dụng sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng.
![]() Trẻ em tại các trường tiểu học ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) được cung cấp sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng TH school MILK trong nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng TƯ |
Sữa tươi là lựa chọn tối ưu
Các nghiên cứu về dinh dưỡng cho thấy, độ tuổi học đường, đặc biệt là bậc mầm non và tiểu học là giai đoạn quyết định phần lớn chiều cao, cân nặng của các em sau này. Ở lứa tuổi này, trẻ phát triển tới 86% thể chất, trí tuệ, chiều cao của một đời người. Đây cũng là giai đoạn cơ thể các em hấp thụ tốt nhất chất dinh dưỡng để thay đổi về tầm vóc nhưng cũng là giai đoạn rất dễ tổn thương về dinh dưỡng.
Thế nhưng, theo PGS.TS. Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu về năng lượng và 60% nhu cầu canxi. Trong khi quá trình tăng trưởng của trẻ rất cần canxi để tạo khối xương cho phát triển tốt hơn về chiều cao. Lượng canxi này có thể cung cấp một cách tối ưu từ sữa tươi. Vì thế, việc sử dụng sữa tươi để đưa vào chương trình Sữa học đường rất phù hợp với khẩu phần của trẻ để bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sữa kém chất lượng vẫn lưu thông và len lỏi vào học đường. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh, lo lắng lớn nhất của Bộ Y tế là sữa kém chất lượng tràn vào trường học. Vì vậy, trong Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường sắp tới Bộ sẽ ban hành, sẽ quy định sữa học đường phải là sữa tươi nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam… Tiêu chuẩn sữa học đường sử dụng sữa tươi là phù hợp với thông lệ sữa học đường và xu hướng sử dụng của thế giới, tạo điều kiện cho ngành sữa tươi Việt Nam phát triển cả về chất và lượng.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu ngành y tế đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết những người am hiểu về ngành sữa. GS.TS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam khẳng định, nếu đã có chương trình sữa học đường thì phải có quy chuẩn quốc gia về sữa học đường. Sữa học đường phải được sản xuất theo một quy chuẩn chung khắt khe, bảo đảm về chất lượng, thành phần và phù hợp với từng lứa tuổi ở mẫu giáo, tiểu học, trung học… Bảo đảm tuyệt đối về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng cần phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. GS.TS. Lê Thị Hợp nhận xét, việc sử dụng sữa tươi trong trường học sẽ là xu hướng sử dụng mới tại Việt Nam trong bối cảnh sữa bột pha lại đang “bá chủ” với hơn 70% thị phần sữa dạng lỏng. Tuy nhiên, xu hướng này đã là tất yếu trên thế giới. Với nhiều quốc gia, sữa học đường chỉ sử dụng sữa tươi nguyên chất hoặc sữa tươi bổ sung vi chất dinh dưỡng gồm vitamin A, D, canxi, axit folic…
Đủ sữa tươi cho trẻ lứa tuổi học đường
Kết quả nghiên cứu thử nghiệm do Viện Dinh dưỡng Trung ương (Bộ Y tế) thực hiện đối với 3.600 trẻ mẫu giáo và tiểu học sử dụng sữa tươi sạch của Tập đoàn TH bổ sung vi chất (loại có đường) ở Nghĩa Đàn, Nghệ An, mỗi trẻ uống 1 hộp 180ml/ngày, 5 ngày/tuần trong năm học 2013 - 2014 cho thấy, suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm khoảng 3%, suy dinh dưỡng thấp còi giảm khoảng 1,5%, tình trạng thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm được cải thiện rõ rệt. |
Hiện nay trên cả nước có khoảng 12.111.384 trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học đang đi học trong đó có 527.000 trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học đang đi học tại các huyện nghèo. Nhu cầu hỗ trợ sữa cho toàn bộ trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học của huyện nghèo cần 17 triệu lít/năm. Nếu toàn bộ trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học trong cả nước uống sữa, mỗi năm cần cung cấp gần 392 triệu lít sữa.
Với nhu cầu này, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, chỉ riêng tập đoàn TH đã hoàn toàn đủ khả năng cung cấp sữa cho toàn bộ trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học của các huyện nghèo trong năm 2014 - 2015 và trong 3 năm tiếp theo sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sữa học đường toàn quốc.
Trong tổng thể chung, Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNT) đưa ra con số sản lượng sữa tươi của Việt Nam năm 2014 đạt gần 550 nghìn tấn sữa tươi, tương đương với gần 550 triệu lít sữa tươi. Nếu theo đúng tiêu chí “dành những gì tốt nhất cho trẻ”, sử dụng phần lớn lượng sữa tươi chế biến sữa học đường thì ngay từ năm 2014 - 2015, lượng sữa tươi sản xuất trong nước đã dư lượng cung cho sữa học đường.
PGS.TS. Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hội Gia súc lớn (Hội Chăn nuôi Việt Nam) nêu thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển hướng đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi trong nước. Vì thế, ông và nhiều chuyên gia chăn nuôi cho rằng, Việt Nam không lo thiếu sữa tươi. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm thế nào để sản xuất sữa tươi học đường phù hợp với nhu cầu, thể trạng của trẻ em Việt Nam. Đó cũng là nút thắt cần được tháo gỡ thông qua Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường sắp được Bộ Y tế ban hành.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh tiến trình đổi mới giáo dục sẽ bao gồm cả đổi mới giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ. Và sữa tươi có bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho mọi trẻ em trong độ tuổi học đường. Ngành giáo dục cũng mong muốn có giải pháp hỗ trợ các trường học kiểm soát chất lượng sữa đưa vào nhà trường để bảo vệ sức khỏe trẻ em, bảo đảm các tiêu chuẩn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Hy vọng, Quy định về tiêu chuẩn sữa học đường được ban hành sẽ xây dựng lứa tuổi vàng trẻ em Việt Nam bằng sản phẩm sữa tươi sạch, thúc đẩy việc ban hành Đề án Sữa học đường quốc gia nhằm mang lại lợi ích bền vững về phát triển tầm vóc Việt cho tất cả trẻ em, trong đó đặc biệt là trẻ em nghèo theo xu hướng chung của thế giới.