Thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng
Vượt qua những khó khăn, thách thức năm 2024, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã đạt những kết quả quan trọng, tích cực với nhiều điểm sáng: tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,5%; lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì, là động lực tăng trưởng lớn nhất của tỉnh. Ngành thương mại, dịch vụ tiếp tục giữ đà tăng trưởng, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỉnh tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước... Những kết quả tích cực này là cơ sở, tiền đề quan trọng để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, trước con số tăng trưởng năm 2024 chỉ đạt 6,5%, nhiều đại biểu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,5 % trong năm 2025 đòi hỏi nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa, đặc biệt là thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ...
Một trong những chìa khóa để kích đà tăng trưởng, theo các đại biểu ở mỗi trụ cột kinh tế, cần khơi thông các rào cản, tạo động lực cho sự phát triển. Đối với lĩnh vực công nghiệp, các đại biểu hiến kế tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, xây dựng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tập trung cho các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, liên kết với hợp tác xã, hộ gia đình, gắn với vùng nguyên liệu và các dự án sử dụng nhiều lao động vào khu vực nông thôn để giải quyết việc làm cho người lao động, hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi. Chủ động phối hợp trao đổi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với các tỉnh, thành trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô; chú trọng hình thành cụm liên kết sản xuất trong ngành công nghiệp điện, điện tử, chế biến chế tạo với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh...
Đối với trụ cột nông nghiệp, cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường...
Đánh giá việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, đào tạo
Cùng với đi sâu phân tích các mảng sáng - tối đan xen trong chính nội tại nền kinh tế, tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu cũng rất quan tâm đến công tác giảm nghèo và chính sách xã hội.
Dự ước năm 2024, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,92% (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,02% xuống còn 2,1%). Đại biểu Phạm Văn Thọ (Tổ Võ Nhai) cho rằng, mặc dù tỉnh đã giảm 0,92% tỷ lệ hộ nghèo (mục tiêu đề ra là giảm 0,8%) song chưa được bền vững, nguy cơ tái nghèo còn hiện hữu. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục đưa ra những chính sách giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện hiệu quả cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo của người dân.
Cũng liên quan đến việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đại biểu Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) cho rằng: hiện nay còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo quy định. Vì vậy, đại biểu đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ để thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo hiện đang phân cấp cho các địa phương để bảo đảm kịp thời, khẩn trương ngay khi được giao chỉ tiêu; trường hợp không hiệu quả thì đề nghị nghiên cứu thực hiện tuyển dụng tập trung ở cấp tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh quy định đánh giá thi đua đối với các tổ chức hội cho phù hợp với tính chất đặc thù. Đề nghị có kế hoạch, giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học trong các trường dân tộc nội trú; cơ chế hỗ trợ mua trang thiết bị tại các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố được triển khai chậm; xem xét bổ sung ngân sách để mua sắm trang bị, phù hiệu, quần áo đối với thành viên tổ an ninh xóm, tổ dân phố...