Khơi thông Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

- Thứ Hai, 10/01/2022, 05:47 - Chia sẻ
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp được quy định tại Luật Khoa học và công nghệ. Hàng năm, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3 - 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước tự quyết định mức trích nộp cụ thể nhưng tối đa không quá 10% thu trước thuế trong kỳ.

Về bản chất, đây là chính sách khuyến khích gián tiếp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thông qua ưu đãi thuế. Đối với khoản thu nhập trích Quỹ, doanh nghiệp không phải đóng thuế và được phép sử dụng Quỹ cho hoạt động phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 5 năm (2016 - 2021), doanh nghiệp nhà nước trích lập Quỹ này hơn 22.100 tỷ đồng, chi cho hoạt động khoa học công nghệ hơn 6.700 tỷ đồng. Như vậy, còn dư hơn 15.400 tỷ đồng; con số này chưa bao gồm doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hàng năm trích lập Quỹ từ 1.100 đến 4.200 tỷ đồng, trong khi chi chỉ đạt 45%. Điều này cho thấy, thời gian qua, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn dư số tiền khá lớn.

Do vậy, việc Quốc hội xem xét, thông qua chính sách sử dụng các Quỹ nhà nước ngoài ngân sách, bao gồm có Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết.

Nhằm thực hiện chính sách có hiệu lực, hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ ngay “nút thắt” đã và đang tồn tại quá lâu mà doanh nghiệp không ít lần phản ánh. Đó là sửa đổi quy định tại Thông tư liên tịch số 12 đã được ban hành từ năm 2016 giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Trong đó, mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ và hướng dẫn chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo, công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ...; cho phép doanh nghiệp được mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm khơi thông nguồn tiền của Quỹ đang bị tồn đọng thời gian qua. Vấn đề này không mới nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nhưng cho đến nay các bộ chủ quản vẫn chưa ban hành văn bản sửa đổi để xử lý dứt điểm nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp?

Cùng với đó, cần cân nhắc kỹ việc xác định số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ này để chi cho đổi mới, ươm tạo công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… như trong dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lý do là số tiền này do nhiều doanh nghiệp đóng góp với mức tiền khác nhau tùy thuộc vào lợi nhuận trước thuế của từng doanh nghiệp. Do đó, không nên ghi số tiền cụ thể, mà quy định cơ chế để doanh nghiệp được sử dụng nguồn tiền trích lập từ Quỹ này để triển khai các chương trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh. Khơi thông “điểm nghẽn” này sẽ giải phóng được nguồn lực, góp phần hỗ trợ vườn ươm cho hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

Giải pháp đột phá - đổi mới cơ chế đôi khi không đòi hỏi phải làm gì quá lớn lao, mà chỉ cần đơn giản hóa các thủ tục quản lý đã là góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Nguyễn Thị Kim Anh
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường