Nhiều quyết sách lớn tạo động lực cho nền kinh tế
- Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội vừa kết thúc và được đánh giá là thành công tốt đẹp. Theo ông, đâu là những điểm nhấn nổi bật của Kỳ họp?
- Trong 29,5 ngày làm việc, Quốc hội đã xem xét 51 nội dung, nhóm nội dung, bao gồm: 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để ĐBQH nghiên cứu. Kỳ họp đã thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư Tô Lâm về mặt thể chế, đó là tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đây là Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp lớn. Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và mong muốn, nguyện vọng của cử tri. Nhiều nội dung liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa vào chương trình Kỳ họp và thảo luận kỹ lưỡng như: điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2030; tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam…
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng là điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp. Các bộ trưởng, trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách; trả lời thẳng thắn và nêu ra nhiều giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận?
- Việc Quốc hội thông qua hai chủ trương quan trọng này là cần thiết, kịp thời và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đây đều là những dự án có tính chiến lược dài hạn, tác động sâu rộng và thúc đẩy tới mọi mặt của kinh tế - xã hội nước ta, vừa đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Đây là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa là nguồn điện xanh và bền vững.
Nhìn chung đây là những dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam và tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, nợ công… Để bảo đảm tính khả thi, cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, cân nhắc các giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics và các giải pháp phù hợp để bảo đảm bảo thành công trong quá trình triển khai.
Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 hoàn toàn khả thi
- Tại Kỳ họp, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt 7 - 7,5%. Ông đánh giá như thế nào tính khả thi của mục tiêu này?
- 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt 7 - 7,5% dù cao nhưng hoàn toàn khả thi khi xét đến các động lực phát triển rộng mở, kết hợp với năng lực quản trị, điều hành của Chính phủ và thể chế được cải thiện, có nhiều quyết sách đầu tư mới.
Trong năm qua, tiêu dùng trong nước còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch, và đây có thể là dư địa để biến thành động lực tăng trưởng mới trong năm 2025. Các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế bền vững cũng là nền tảng để hoàn thành mục tiêu năm 2025. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đang đề xuất Quốc hội chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các tỉnh thành, từ đó giảm thủ tục hành chính sẽ là động lực lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân. Ngoài ra, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô hơn 67 tỷ USD nếu được Quốc hội xem xét và quyết định thông qua sẽ là một cú hích lớn đối với tăng trưởng kinh tế không chỉ năm 2025 mà còn trong dài hạn.
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, đâu là những vấn đề cần giải quyết trong ngắn hạn và dài hạn, thưa ông?
- Trong ngắn hạn, do 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm nên tôi cho rằng, thúc đẩy tiêu dùng nội địa là rất cần thiết. Hiện nay, tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu, vì vậy, Chính phủ có thể áp dụng các chính sách tài khóa hợp lý, như giảm thuế cho nhóm thu nhập thấp và tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, từ đó khuyến khích chi tiêu và tiêu dùng. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án hạ tầng mà có thể tạo ra việc làm và kích thích tiêu dùng. Việc nhanh chóng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công sẽ tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Theo tôi, Chính phủ cần tập trung giữ vững định hướng mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; quán triệt mục tiêu này đến các cấp, ngành, địa phương nhằm bảo đảm việc thực hiện các chính sách, giải pháp được tiến hành thông suốt, phù hợp.
Và như đã nói ở trên, vấn đề lớn và cấp bách nhất lúc này là cải cách thể chế, kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này thể hiện rõ ngay trong Kỳ họp vừa qua khi rất nhiều dự án bổ sung mới vào chương trình, nhiều nghị quyết trọng tâm được bổ sung… thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm của Quốc hội trước những yêu cầu của Đảng, yêu cầu của phát triển.
Tới đây, cần tiếp tục tinh gọn bộ máy, giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân. Việc phân quyền mạnh mẽ cho các tỉnh thành sẽ giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế theo cách phù hợp với tiềm năng của mình.
Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo là rất cần thiết. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề sẽ nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tạo ra các quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sẽ giúp kích thích sự sáng tạo trong kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông!