Sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn thể chế

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế phải bắt đầu từ sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tư duy đổi mới mạnh mẽ như lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã yêu cầu, bởi đây là đạo luật gốc quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật. Theo đánh giá của giới chuyên môn, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã “thấm nhuần” và thể chế hóa được định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật.

Gỡ điểm nghẽn thể chế từ luật gốc

Theo kế hoạch, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, khai mạc ngày 12.2 tới đây, theo quy trình tại một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn.

“Việc xây dựng và thông qua Luật theo quy trình rút gọn ở thời điểm này chính là khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn về thể chế”, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nói trong tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 10.2.

Theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với những mục tiêu rất cao, trong đó có việc tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta phải tháo gỡ được điểm nghẽn của thể chế như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói, mới có thể khơi thông được các nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển. “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đạo luật gốc quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật, vì vậy, chúng ta phải tháo gỡ từ chính đạo luật này, làm cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế”, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ phân tích.

talkshow1.jpg
Toàn cảnh Talkshow Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết, sửa Luật ở thời điểm này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời khắc phục những hạn chế sau hơn 8 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Bên cạnh đó, việc trình Quốc hội thông qua Luật theo quy trình một kỳ họp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần này, cả về thẩm quyền ban hành văn bản và trong việc tổ chức thi hành pháp luật.

“Chúng ta làm luật theo dòng chảy của cuộc sống”

“Giới chuyên môn chúng tôi đánh giá dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã thể chế được chủ trương, định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy, quy trình xây dựng pháp luật”, TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, cho biết.

Một trong những yêu cầu đổi mới mà TS. Dương Thị Thanh Mai tâm đắc nhất đó là: pháp luật phải bám sát với yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển; xây dựng pháp luật phải lấy tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp làm trung tâm. “Tư tưởng này đã thể hiện nhất quán trong dự thảo Luật, bắt đầu từ việc thay đổi quy trình lập pháp của Quốc hội”.

Chẳng hạn, theo dự thảo Luật, UBTVQH sẽ chủ trì xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, trình Bộ Chính trị phê duyệt. UBTVQH ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi Định hướng được phê duyệt và theo đó, Chính phủ có thể chủ động giao các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng chính sách, soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ thời điểm này. Chương trình lập pháp hằng năm sẽ do UBTVQH quyết định (thay vì do Quốc hội quyết định như hiện nay) với trình tự, thủ tục đơn giản. Trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, cơ quan trình sẽ trình dự án luật, nghị quyết để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, UBTVQH cho ý kiến và quyết định bổ sung vào Chương trình lập pháp hằng năm.

Với quy định mới như vậy, thời gian từ khi các bộ, ngành đề xuất xây dựng luật tới lúc luật được đưa vào Chương trình lập pháp hàng hằng năm chỉ mất vài tháng thay vì 18 tháng như trước để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. “Giới chuyên môn chúng tôi hay nói với nhau, như vậy là chúng ta làm luật theo dòng chảy của cuộc sống, không có cắt đứt không, có đứt đoạn, không chờ đợi mà là luôn sẵn sàng”, TS. Dương Thị Thanh Mai nói.

Không phải “đổi vai” mà là “trả lại đúng vai”

Một yêu cầu quan trọng khác, theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, đó là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận. “Dự thảo Luật đã thấm nhuần sâu sắc quan điểm này, thể hiện ở một số đổi mới quan trọng”, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nhận xét.

Ví dụ, dự thảo Luật đã tách bạch quy trình chính sách với quy trình soạn thảo luật. Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, đây là một cải cách quan trọng bởi quy trình chính sách hiện khá phức tạp, nhiều thủ tục không thực sự cần thiết. Theo luật hiện hành, với một dự án luật, các cơ quan của Quốc hội phải thẩm tra 2 lần: thẩm tra chính sách và sau đó là thẩm tra dự thảo luật. Còn theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), quy trình chính sách hoàn toàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan trình luật.

“Cơ quan trình là người đề xuất xây dựng luật, cũng là người lựa chọn, quyết định và thông qua các chính sách; các cơ quan của Quốc hội chỉ thẩm tra dự thảo luật sau khi đã được hoàn chỉnh, trình Quốc hội. Như vậy, quy định mới vừa đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, đẩy nhanh quy trình xây dựng luật, vừa tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình luật”, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho biết.

Dự thảo Luật cũng đã phát huy vai trò, tính chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện của các cơ quan trình luật, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc chịu trách nhiệm đến cùng về dự án luật do mình trình. Theo đó, cơ quan trình sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, đây không phải là sự “đổi vai” mà là “trả lại đúng vai” của cơ quan trình luật trong quá trình trình và bảo vệ quan điểm, chính sách của mình trước Quốc hội về dự án luật của mình.

Theo các diễn giả tham gia tọa đàm, thời gian qua, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã làm việc rất khẩn trương với tinh thần đổi mới để có được dự thảo Luật thể chế hóa rất nhiều quan điểm, tư duy mới trong xây dựng pháp luật, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây. Nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025. Và với những điểm mới đột phá, Luật được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Mong quyết tâm đổi mới sẽ biến thành hành động

Ảnh: Q. Khánh

Ảnh: Q. Khánh

Tôi mong và tin rằng, quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật sẽ biến thành hành động của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các tổ chức đại diện cho Nhân dân. Trong quá trình xây dựng luật pháp, tất cả cùng đi theo một nhận thức mới, đó là bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tôi cũng rất kỳ vọng dự thảo Luật sẽ nâng cao một cách thật sự trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Về điều kiện bảo đảm để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tôi cho rằng có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là nguồn nhân lực tốt ở cả cơ quan trình và các cơ quan thẩm tra. Thứ hai là về tài chính và kinh phí. Đầu tư cho xây dựng và thi hành thể chế là đầu tư cho phát triển phát triển, vậy thì phải tương xứng, đi cùng, đi kịp; quy trình tài chính phải thay đổi hoàn toàn và có dự phòng, để xử lý những vấn đề phát sinh.

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Cần ít nhất 4 yếu tố để thực thi Luật hiệu quả

Ảnh: Q. Khánh

Ảnh: Q. Khánh

Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã thể hiện tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật, vì vậy, kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích lớn.

Thứ nhất là việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời, tiết kiệm được nguồn nhân lực cũng như tài chính. Thứ hai là trao quyền chủ động cho các cơ quan có thẩm quyền tham gia quy trình lập pháp, đặc biệt là cơ quan trình luật để chủ động hơn, linh hoạt hơn trong đề xuất, xây dựng các dự án luật trình Quốc hội. Lợi ích thứ ba rất quan trọng là đem lại không gian mở cho hoạt động xây dựng pháp luật nói chung để đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.

Để thực thi Luật này hiệu quả “ngay và luôn” cần có ít nhất 4 yếu tố. Đầu tiên, Chính phủ cần sớm soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, có hiệu lực đồng thời với Luật. Tiếp đến, phải tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật. Đặc biệt, vai trò của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, trong việc chỉ đạo quyết liệt, đưa quy trình lập pháp của Luật này sớm đi vào cuộc sống là rất quan trọng. Thứ tư là vấn đề nguồn lực, bao gồm con người và tài chính. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của đánh giá tác động chính sách, phải có kinh phí để làm bài bản và thực chất, nếu không, các quy định, chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy.

Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp

Nỗ lực, tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành

Ảnh: Q. Khánh

Ảnh: Q. Khánh

Cá nhân tôi kỳ vọng Luật được ban hành sẽ tạo cơ sở cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ chế linh hoạt, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao chất lượng văn bản.

Để kịp thời triển khai Luật, trên cơ sở dự thảo Luật, chúng tôi đã xác định những nội dung cần phải quy định chi tiết và tiến hành xây dựng dự thảo. Chúng tôi đang tranh thủ thời gian, cố gắng hết sức để bảo đảm khi luật có hiệu lực thì cũng ban hành nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, đặc biệt là với những nội dung chưa được quy định cụ thể trong luật mà mới quy định nguyên tắc.

Tôi cũng đồng thuận với ý kiến của các chuyên gia về những điều kiện bảo đảm thi hành luật, không có những điều kiện đó thì luật không thể đi vào cuộc sống. Trong đó, về nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, sắp tới chúng ta cũng phải tính đến việc hướng tới chuyên nghiệp hóa, thành thạo chuyên môn đúng theo định hướng của Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Đảng đoàn Quốc hội và trong Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị.

Quốc hội và Cử tri

Rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng
Quốc hội và Cử tri

Rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng

Qua làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng còn một số nội dung chưa đồng bộ về bộ chỉ tiêu sử dụng đất, xác định loại đất; tiêu chí lập quy hoạch. Thời kỳ quy hoạch giữa 2 loại quy hoạch không thống nhất dẫn đến việc xác định, phân bổ chỉ tiêu thực hiện giữa các thời kỳ, các dự án khó thống nhất.

AMH
Quốc hội và Cử tri

Bảo vệ tiểu thương trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử ở Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Theo Bộ Công Thương, năm 2024, doanh số thương mại điện tử bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Cùng với đó, số lượng gian hàng trực tuyến cũng tăng mạnh, với khoảng 650.000 cửa hàng có phát sinh đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh H.Ngọc
Quốc hội và Cử tri

Mỗi nhà khoa học hãy dành một phần thời gian đưa khoa học về làng

Tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học khối nông - lâm - ngư nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kêu gọi mỗi nhà khoa học hãy dành một phần thời gian để “đưa khoa học về làng”; tham gia tư vấn, tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, bảo vệ môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong việc áp dụng khoa học, công nghệ, phát triển sản phẩm chế biến sâu... Các nhà khoa học bằng trí tuệ, tâm huyết của mình có thể làm nhiều hơn từ những nghiên cứu.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Quốc hội và Cử tri

Bài 3: Xây dựng những cán bộ tốt, đảng viên tốt

Trong bối cảnh hiện nay, nước ta phải hướng đến xây dựng những cán bộ tốt hay cụ thể hơn, đó là những đảng viên tốt. Đảng chú trọng công tác cán bộ vừa là quyền hạn nhưng cũng là trách nhiệm trước sự tồn vong của Đảng, sự hưng thịnh của đất nước, của chế độ. Để đi tới được kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì Đảng phải quản trị cho được đội ngũ cán bộ thật sự toàn diện, nghiêm minh. Có được cán bộ, đảng viên tốt, văn hóa trong Đảng cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận.

Sử dụng đất hiệu quả, tạo động lực phát triển cho địa phương
Quốc hội và Cử tri

Sử dụng đất hiệu quả, tạo động lực phát triển cho địa phương

Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, Yên Bái đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo quy định, trong đó tập trung vào phát triển quỹ đất đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo hướng đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư... Tuy nhiên, các thành viên Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, UBND tỉnh cần đánh giá kỹ lưỡng tác động khi điều chỉnh giảm diện tích đất nông nghiệp và liệu có vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất nông nghiệp trong khu dân cư hay không?

Kịp thời điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Quốc hội và Cử tri

Kịp thời điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Qua quá trình khảo sát tại cơ sở tại Hải Dương, Đoàn khảo sát của Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận thấy, tỉnh đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 hầu hết đều tăng rất cao so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, trong khi đó, việc thực hiện các chỉ tiêu được phân bổ đạt kết quả chưa cao. Do đó, đề nghị, khi đề xuất điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, cần làm rõ căn cứ cụ thể đề xuất tăng diện tích đất phi nông nghiệp thêm 15.327 ha và đã đánh giá tác động về môi trường và xã hội của việc điều chỉnh này như thế nào?

Có giải pháp hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025
Quốc hội và Cử tri

Có giải pháp hoàn thành chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025

Luật Đất đai năm 2024 có quy định mới về nội dung các công trình, dự án có sử dụng đất rừng sản xuất trước khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích, giao đất, cho thuê đất phải trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Điều này dẫn tới một số công trình, dự án phải thực hiện thêm thủ tục nêu trên trước khi hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất so với chỉ tiêu được phân bổ đến năm 2030 trên địa bàn Yên Bái đạt thấp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chính sách và cuộc sống

Rành mạch về chính sách thuế

Từ gần 100 nhóm ngành nghề được ưu đãi đầu tư đang quy định tại các văn bản pháp luật về đầu tư và các luật chuyên ngành, dự luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã thu gọn phạm vi các ưu đãi thuế xuống còn 30 nhóm lĩnh vực. Dù vậy, theo các đại biểu Quốc hội, quy định như dự thảo Luật vẫn chưa bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: N. Thanh
Quốc hội và Cử tri

Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất liên quan đến việc giải quyết bất cập đối với tình trạng thiếu giáo viên; thực hiện phân cấp trong quản lý đội ngũ giáo viên ngành giáo dục; thu hút nhân lực chất lượng cao, các giải pháp giữ chân y, bác sĩ; việc bổ sung đối tượng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngành y tế…

Đồng Nai: Góp ý hoàn thiện luật phải bảo đảm tính đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc
Quốc hội và Cử tri

Đồng Nai: Góp ý hoàn thiện luật phải bảo đảm tính đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Luật Công nghiệp công nghệ số. Các đại biểu nhấn mạnh việc hoàn thiện luật cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Bài cuối: Đột phá để phát triển và phục vụ Nhân dân
Việt Nam với kỷ nguyên mới

Bài cuối: Đột phá để phát triển và phục vụ Nhân dân

ThS. Nguyễn Vân Hậu

Được kỳ vọng là một cuộc đột phá để phát triển và phục vụ Nhân dân, cử tri và Nhân dân đặt niềm tin rất lớn vào việc tinh gọn bộ máy sẽ sàng lọc và chọn được người đủ tài, đủ đức, đủ tâm huyết phục vụ trong bộ máy hệ thống chính trị; có chế độ đãi ngộ tương xứng để họ tận tâm, tận trí, tận lực cống hiến, phục vụ Nhân dân mà không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, khắc phục và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, phiền hà sách nhiễu dân.

Không áp đặt cứng nhắc…
Chính sách và cuộc sống

Không áp đặt cứng nhắc…

Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, có 18/63 địa phương được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số, trong đó, Bắc Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng được giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh
Quốc hội và Cử tri

Quy trình mới có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã tách bạch quy trình chính sách với việc lập Chương trình lập pháp hàng năm, phân định rõ hơn quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo. Với tinh thần đó, đối với các luật, pháp lệnh cần thực hiện quy trình chính sách sẽ gồm 4 bước cơ bản. Trên cơ sở chính sách được thông qua sẽ tiến hành soạn thảo theo quy trình 7 bước, trong đó đơn giản một số thủ tục hoặc một số loại hồ sơ, tài liệu. Quy trình này có thể rút ngắn thời gian ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng.

AMH
Chính sách và cuộc sống

"Liều thuốc mạnh" để bảo vệ dữ liệu cá nhân

Không ít người thường nói với nhau: chúng ta bây giờ không phải lo lắng về chuyện lộ thông tin cá nhân nữa, bởi các thông tin ấy đã lộ hết rồi. Dù đây là nhận xét nửa đùa nửa thật, nhưng không thể phủ nhận rằng nó phản ánh thực trạng nghiêm trọng hiện nay, khi thông tin cá nhân của hàng triệu người đã bị lộ ra ngoài mà không thể thu hồi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Diễn đàn Quốc hội

Kịp thời ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để Luật, Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển. Để phát huy hiệu quả kết quả của Kỳ họp, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành ban hành nghị định, thông tư nhằm triển khai kịp thời các luật, nghị quyết.