Khơi sâu nguồn chảy văn hóa Việt

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:12 - Chia sẻ
Đi sâu nghiên cứu trang trí mỹ thuật của người Việt, sẽ thấy từng chi tiết, hình ảnh đầy ngụ ý. Kết nối với văn hóa, lịch sử thời trước là cách nhìn ra cá tính biểu đạt ấy, từ đó để khơi sâu nguồn chảy văn hóa, níu giữ và tiếp biến nó trong đời sống đương đại.

Chiều sâu của nghệ thuật trang trí

Trông mặt mà bắt hình dong - câu nói này ứng chiếu khá đúng khi nói về những di sản người xưa để lại. Mấy chục năm tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu đã cho TS. Trần Hậu Yên Thế vốn kiến thức sâu sắc về hình thức và ẩn dụ của hoa văn trên các công trình kiến trúc cổ…

Hoa văn ấy không đơn thuần là một phần của lối trang trí mà còn mở ra cho người xem nét đẹp hài hòa, mang giá trị tinh thần và câu chuyện của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Đó cũng là nét đẹp của nghệ thuật trang trí, mang tính thẩm mỹ, làm nên dấu ấn, văn hóa một thời.

“Đánh mất mình hay trở thành bản sao mờ nhạt cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi đa dạng văn hóa”. Đi từ nhận định này, trong trò chuyện về chủ đề “Nét Việt” mới đây, TS. Trần Hậu Yên Thế đã định nghĩa lại nghệ thuật trang trí. Anh cho rằng, thực tế lịch sử nghệ thuật thế giới đã chứng minh, việc loại nghệ thuật trang trí ra khỏi “ngôi đền thiêng" mỹ thuật là một sai lầm nghiêm trọng của mỹ học phương Tây.

Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình Cao Đài (Nam Định) thế kỷ XVII
Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

“Dù là nghệ thuật thị giác xử lý trên phương diện bề mặt, nhưng không đơn thuần để làm đẹp, nên không thể coi trang trí là mỹ hóa đối tượng. Nếu áp dụng lý thuyết này với Việt Nam cũng đồng nghĩa tạo nên sự hiểu lầm, phủ định nền mỹ thuật truyền thống Việt rằng không thể tạo ra cái gì sâu lắng”, TS. Trần Hậu Yên Thế nói.

Nhìn vào tính biểu đạt trang trí của người Việt, đi sâu nghiên cứu sẽ thấy từng chi tiết, hình ảnh đầy ngụ ý. Kết nối với văn hóa, lịch sử thời trước là cách nhìn ra cá tính biểu đạt đó. Cá tính này gắn với tính thần quyền, công quyền và không nằm ngoài ảnh hưởng của bối cảnh vốn nhiều biến cố. Có thể kể đến những trang trí như chạm khắc hình rồng tại Đền thờ vua Đinh, Ninh Bình. Khác với hình rồng thường thấy, con rồng trong chạm khắc ở đây để lộ bụng, các chân quấn nắm vào đầu, râu, tạo cảm giác bí bách, bi phẫn và tuyệt vọng. Đến giờ, thông điệp của lối trang trí ấy vẫn để ngỏ, nhưng có nhiều giả thiết nghiêng về nhận định rằng nó ẩn dụ câu chuyện xung đột quyền lực thời Đinh - Tiền Lê.

TS. Trần Hậu Yên Thế nêu thêm, tạo tác hoa văn của người Việt thường nặng về văn hóa âm, văn hóa mẹ, yếu tố sinh sản mạnh. Chính những điều này làm nên sự khác biệt về văn hóa của Việt Nam, mặc dù nền văn hóa ấy ít nhiều có sự hòa trộn hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa ở phương Bắc và Ấn Độ ở phương Nam. “Quá trình giao lưu, tiếp biến và phát triển văn hóa đưa tới sự đa dạng nhưng nhìn chung tạo hình trang trí của người Việt đã hình thành những giá trị sáng tạo đi vào tiềm thức. Chiều sâu đó tạo ra tinh thần hiểu biết, trân trọng và kế thừa giữa các thế hệ”.

Giá trị nhận diện

Hình tượng trang trí cho thấy sự tài hoa, sáng tạo của nghệ nhân nhưng cũng giúp đọc vị những giá trị tư tưởng được đề cao trong từng giai đoạn lịch sử. Theo TS. Trần Hậu Yên Thế, ở Việt Nam, những trang trí như thế có thể tìm thấy ở nhiều đền, chùa, trong đó đình làng là kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc nhất còn lại. Đơn cử, “tiên nữ cưỡi rồng” là hình ảnh đẹp của chạm khắc trang trí kiến trúc đình làng thế kỷ XVI - XVIII. Những nàng tiên phần nhiều mang dáng vẻ phúc hậu, mộc mạc, phảng phất dáng hình các cô thôn nữ như ước vọng hạnh phúc giản dị của con người Việt Nam tự ngàn đời. 

Tuy nhiên, chiều sâu của trí tuệ và cảm xúc trong các hình tượng trang trí sẽ bị mất đi nếu chỉ nhấn mạnh đến nó như một tính chất trang sức của bề mặt, không thuộc về mỹ thuật. Trong cuốn “Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt” (NXB Văn hóa dân tộc, năm 2000), GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh: “Hoa văn trên dải đất hình chữ S không chỉ nhằm mục đích đơn thuần để trang trí cho kiến trúc hoặc các hiện vật nào đó, mà chúng là sự kết tinh muôn đời muôn thuở của dân tộc Việt. Đã một thời rất dài, hoa văn gắn vào cuộc sống thường ngày trước việc ứng xử với cái đẹp, để trở thành những mảnh hồn nhân thế và cõng trên lưng biết bao vấn đề lịch sử của dân tộc”.

Vậy định vị nền nghệ thuật trang trí ấy ra sao trong bối cảnh quan niệm thẩm mỹ phương Tây ngày càng ảnh hưởng mạnh đến đời sống mỹ thuật Việt Nam? Nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ không nên đi tìm ý tưởng cứng cho việc này. Kế thừa hay tiếp biến các giá trị truyền thống cần được bắt đầu từ cảm hứng giao thoa. Nghĩa là nhìn nhận về trang trí mỹ thuật truyền thống một cách thấu đáo để đưa tinh thần của nó vào không gian hiện đại, không nhất thiết là “bê nguyên” truyền thống. Nói đến trang trí là nói đến việc làm đẹp, nhưng cái hay của nghệ thuật trang trí cũng cần được thảo luận. Văn hóa Việt về cơ bản là tích hợp chứ không hề lai tạp. Tinh thần tích hợp văn hóa đó chính là nền tảng để tìm lại diện mạo thực sự của trang trí mỹ thuật Việt.

Theo TS. Trần Hậu Yên Thế, tìm lại diện mạo của trang trí mỹ thuật Việt là con đường dài do văn hóa truyền thống Việt đã bị đứt gãy, rất khó có một hệ thống tổng thể, nguyên vẹn. Tuy nhiên, vẫn có cách riêng để nhận diện giá trị tinh hoa Việt. “Nếu bắt gặp họa tiết, hoa văn nào đó tạo cho mình cảm giác áp chế hơn là rung động thì có lẽ nó không phải của người Việt. Dù là thô ráp, nhỏ bé chăng nữa, thời Đinh, Lý hay Trần… thì trang trí của người Việt vẫn cứ toát lên cái gì đó nhân văn, sâu sắc và tình cảm. Cứ như khi vứt một cục gỗ mục vào lửa thì chỉ ra mùi khói, còn đốt trầm ắt thấy mùi hương. Trang trí mỹ thuật Việt ẩn trong mình một thứ hương riêng như vậy”.

Hải Đường