Trên đường phát triển

Khởi sắc Tân Sơn

Minh Uyên 30/06/2025 07:05

Ngày mới thành lập, huyện Tân Sơn, Phú Thọ vô cùng khó khăn; ấy vậy mà chưa đến 2 thập niên, nơi đây đã có những đổi thay tích cực, chuyển mình từ một huyện nghèo thành huyện phát triển nhanh, mạnh và bền vững; diện mạo làng quê khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt ở những xã, xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Vươn lên từ "rốn nghèo"

18 năm trước, huyện Tân Sơn được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính từ huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ; thời gian đầu thành lập (30/4/2007), huyện có 14/17 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, có 83% là đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 61% và là một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước, được thụ hưởng đợt đầu tiên chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.

Nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và việc tập trung các nguồn lực, nguồn vốn, huyện Tân Sơn đã bước ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước vào tháng 3/2018, trước 2 năm so với kế hoạch.

Qua 7 năm thoát khỏi "rốn nghèo", Tân Sơn đang chuyển mình mạnh mẽ; tiêu biểu tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình hàng năm là 1,7%, hộ cận nghèo giảm 1,52%. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 14,67%; hết năm 2024, chỉ số này được đưa về gần 13%. Đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người gấp 8 lần so với ngày đầu thành lập năm 2007.

g7.jpg
Nguồn vốn chính sách đã làm thay đổi đời sống bà con huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Ảnh. M. Uyên

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững, ông Phạm Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Sơn khẳng định: cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị còn có sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và những đóng góp quan trọng, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại địa bàn trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm đưa Chỉ thị số 40/CT-TW "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" vào cuộc sống.

Đúng như đánh giá của lãnh đạo địa phương, thời gian qua, các cấp ủy Đảng huyện Tân Sơn thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào DTTS khó khăn trên toàn địa bàn. Cụ thể sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ủy thác qua NHCSXH là 6.847 triệu đồng.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 1.346 triệu đồng; vốn từ ngân sách huyện là 4.687 triệu đồng, tăng 1.244 triệu đồng, góp lực nâng tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên toàn huyện đến 31/3/2025 đạt kỷ lục 681.730 triệu đồng.

Có nguồn vốn lớn này để hoạt động, theo ông Tăng Tiến Sỹ, Bí thư chi bộ Đảng, Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn, trước hết do lãnh đạo địa phương luôn xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tập trung vào việc huy động tạo lập các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn.

Kịp thời đưa vốn đến đối tượng chính sách

Các đối tượng chính sách trên địa bàn Tân Sơn đã tận dụng cơ hội từ nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp và không cần thế chấp để mau chóng thoát khỏi khó khăn, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

Điển hình như gia đình ông Lê Văn Liên - một trong những hộ nghèo của xã Mỹ Thuận, Tân Sơn; từ năm 2010, ông Liên được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH Tân Sơn để trồng chè và chăn nuôi. Trên diện tích gần 2ha đất đồi trước đây chỉ trồng sắn và lúa nương, ông Liên quy hoạch thành vùng chuyên canh chè; phần diện tích ven đồi được cải tạo để cấy lúa, đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi lợn thịt.

Sau 5 năm làm việc cật lực, gia đình ông Liên đã thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang, các con được đi học đầy đủ, thu nhập mỗi năm đạt 120 - 150 triệu đồng và còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong xã.

Không chỉ tích cực làm kinh tế gia đình, ông Liên còn hướng dẫn chuyển giao kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ dân trong thôn làm theo. Hiện nay ông đang là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn của khu Hồng Phong. Tính đến nay, tổ của ông Liên có 52 hộ đang vay vốn của NHCSXH, tập trung ở 5 nhóm đối tượng vay, chủ yếu đầu tư phát triển cây chè, chăn nuôi và vốn vay học sinh sinh viên. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nhờ đó số hộ nghèo trong khu giảm xuống còn 9 hộ.

Chị Sa Thị Ánh Nguyệt là một trong 200 đoàn viên thanh niên của xã Kim Phượng, huyện Tân Sơn cũng là điển hình làm kinh tế giỏi nhờ sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng chính sách. Chị đã sử dụng vốn vay thuộc Chương trình cho vay giải quyết việc làm đầu tư nuôi lợn lửng, gà chọi và thâm canh rừng cây gỗ lớn.

Có "của ăn của để" từ bán lợn, gà, chị trả hết nợ gốc, lãi và đầu tư nuôi thêm 2.000 con cá trê, 100 con gà cựa, vịt suối, đặc biệt là đầu tư mô hình "ếch trên, cá dưới" - nuôi ếch bằng lồng lưới trên mặt ao kết hợp nuôi cá dưới ao mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.

"Nếu một năm nuôi từ 2 - 3 lứa ếch với đầu ra ổn định, trừ chi phí có thể thu lãi vài chục đến gần 100 triệu đồng" - chị Nguyệt chia sẻ.

Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn người dân Tân Sơn vươn lên, thay đổi cuộc sống; riêng năm 2024, nguồn vốn đã đến tay 3.176 lượt đối tượng chính sách, với số tiền cho vay trên 161 tỷ đồng; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 886 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm cho gần 200 lao động (trong đó có 60 lao động đi làm việc tại nước ngoài); cho vay phát triển sản xuất kinh doanh tại xã vùng khó khăn 841 khách hàng...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khởi sắc Tân Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO