Khơi gợi hứng thú từ trò chơi dân gian
Thiếu sân chơi, không ít học sinh đã sa đà vào những trò chơi không lành mạnh. Vậy nên việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường được triển khai vài năm trở lại đây, bước đầu đã có hiệu quả tích cực…
![]() |
Thời gian gần đây, thực trạng học sinh tham gia vào các trò chơi không lành mạnh, gây ra hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những biện pháp mà Bộ GD - ĐT đã triển khai nhằm tạo sân chơi lành mạnh, góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội trong nhà trường. Theo đánh giá chung của nhiều trường thì học sinh rất hứng thú với những trò chơi dân gian như: ô ăn quan, nhảy lò cò, nhảy dây, kéo co...
Tại Trường Tiểu học Minh Đạo thuộc quận 5, TP Hồ Chí Minh, sau giấc ngủ trưa, chuẩn bị vào giờ học buổi chiều, học sinh cũng khởi động bằng những trò chơi dân gian thú vị. Nhóm bạn gái nhảy lò cò, những bạn khác lấy ống tre đựng các hạt sỏi chơi trò ô ăn quan. Trong các lớp trò chơi banh đũa cũng rộn ràng với những đợt tâng bóng bắt đũa của các bạn nam. Những tràng pháo tay cổ vũ làm tăng thêm sự gắn kết và tình đoàn kết giữa các em. Là một trong những thầy cô tổng hợp các trò chơi dân gian thành “thư viện trò chơi” và tập cho học sinh chơi, cô Xuân Thị Châm, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, cho biết: “Ngoài việc tạo sân chơi bổ ích, vui vẻ qua trò chơi, chúng tôi còn mong muốn chuyển tải những câu chuyện để giúp các em rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống. Khi các em chơi phải biết nhường nhịn nhau, không quá ăn thua để đánh mất tình bạn...”.
![]() |
Tại Quảng Nam, thông qua “Ngày hội thiếu nhi vui khỏe”, các em học sinh có cơ hội tham gia vào các trò chơi dân gian. Nhiều em mới chỉ nghe cha mẹ kể chứ chưa từng nhìn thấy hay trực tiếp tham gia chơi các trò chơi dân gian nên bước đầu còn lóng ngóng, nhưng khi nhập cuộc được rồi thì tỏ ra thích thú và hào hứng. “Chúng tôi hy vọng với việc tiếp cận và yêu thích các trò chơi dân gian, rồi đây sự ảnh hưởng của game online đối với học sinh cũng sẽ giảm bớt...”- một vị lãnh đạo trường tiểu học ở Quảng Nam chia sẻ.
Có thể nói, đưa trò chơi dân gian vào học đường mang nhiều ý nghĩa thiết thực: góp phần rèn luyện sức khỏe; giúp phát triển trí tuệ, thói quen làm việc theo nhóm; rèn luyện khả năng phán đoán, kỹ năng xử lý các tình huống khác nhau trong cuộc sống; phát huy tính đoàn kết...Tuy nhiên, việc đưa trò chơi dân gian vào học đường còn gặp không ít khó khăn. Số đông trẻ em ở đô thị, các trò chơi cướp cờ, ô ăn quan, rồng rắn lên mây, nhảy lò cò... là khá mới mẻ. Bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi dân gian. Thậm chí, có những giáo viên còn không kể được tên một vài trò chơi dân gian đơn giản, chưa nói đến việc hướng dẫn học sinh về cách chơi, luật chơi. Không gian nhiều trường còn chật hẹp, ảnh hưởng đến hiệu quả trò chơi...
Có thể nói, đưa trò chơi dân gian vào học đường là việc làm cần thiết nhưng cần được tiến hành bài bản hơn. Ngành GD - ĐT các cấp cần tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học để giáo viên có “vốn” trò chơi dân gian bài bản nhất định, từ đó truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi. Hàng năm, tổ chức các cuộc vận động, phong trào sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi học sinh; đồng thời, tổ chức các cuộc thi chơi các trò chơi dân gian giữa các trường bạn, tạo không khí vui tươi và để ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú. Tổ chức đoàn, đội ở các trường học phải tiên phong, sáng tạo trong việc định hướng, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh...