Khơi dòng vốn nhà nước trong doanh nghiệp bằng cơ chế quản lý hiệu quả, minh bạch
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay, 13.5 về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đã chỉ ra nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để khơi thông dòng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới.
“Đầu tư lớn” cần định lượng cụ thể
Một trong những vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà quan tâm là tính rõ ràng, cụ thể tại Điều 11 của dự thảo, quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hoàn toàn đồng tình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, đại biểu Hà nhấn mạnh sự cần thiết phải phân định rõ ràng các điều kiện để xác định thế nào là “ứng dụng công nghệ cao”, “đầu tư lớn” hay “hàng năm các doanh nghiệp phải đầu tư số tiền lớn so với quy mô vốn” có phải là đầu tư lớn không?
“Thực tế hiện nay, doanh nghiệp nhà nước trong quá trình báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ phải giải trình bổ sung để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp bao gồm cả: ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh”, đại biểu Hà dẫn chứng.

Để tránh những cách hiểu khác nhau và bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị tách điểm d khoản này thành hai điểm riêng biệt, cụ thể: “d) Doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ cao”; “đ) Doanh nghiệp đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế”.
Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp đối với dòng vốn nội bộ
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 1 tại khoản 3 Điều 18 về nguyên tắc huy động vốn và cho vay vốn. Theo phương án này, các doanh nghiệp được quyền quyết định cho các công ty con (nắm trên 50% vốn điều lệ) vay vốn với điều kiện giá trị mỗi khoản vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu và tổng giá trị cho vay không vượt quá vốn góp thực tế.
Đại biểu phân tích, quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thứ nhất, nó giúp tận dụng tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong hệ thống. Thứ hai, việc công ty mẹ thu xếp vốn và cho công ty con vay sẽ giúp các đơn vị này tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn, do công ty mẹ thường có hệ số tín dụng tốt hơn so với các công ty con riêng lẻ.
“Để bảo đảm các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở trong tổ chức thực hiện quy định này sau khi Luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực áp dụng, đề nghị nghiên cứu để bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động quyết định về nguồn vốn sử dụng để cho vay cũng như lãi suất cho vay đối với công ty con”, đại biểu Hà đề xuất. Đồng thời, cũng lưu ý cần xem xét bổ sung quy định để bảo đảm hoạt động cho vay vốn nội bộ này không bị điều chỉnh bởi các luật khác, ví dụ như không cần thiết phải bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc xin giấy phép hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tự chủ về tài chính và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thêm “điều khoản quét” cho giao dịch ngoài sàn
Liên quan đến hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư và vốn đầu tư của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đã chỉ rõ một bất cập trong điểm b khoản 3 Điều 20 của dự thảo. Quy định hiện tại chỉ cho phép doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng cổ phần đang nắm giữ trên sàn chứng khoán thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trên sàn.
Theo đại biểu, quy định này đang đi ngược lại với thực tiễn và các quy định hiện hành của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các nghị định của Chính phủ. Các văn bản này cho phép doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì vẫn có thể thực hiện theo các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hoặc thỏa thuận (giao dịch ngoài sàn).

Để bảo đảm tính kế thừa và tránh gây vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị, bổ sung thêm một “điều khoản quét” vào điểm b khoản 3, cụ thể là “... hoặc các phương thức khác theo quy định của Chính phủ”. Sự bổ sung này sẽ tạo ra sự linh hoạt cần thiết, cho phép doanh nghiệp lựa chọn phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả của các giao dịch.
San sẻ rủi ro đặc thù trong thăm dò khoáng sản
Trong nội dung góp ý của mình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề cập đến vấn đề phân phối lợi nhuận sau thuế, cụ thể là Điều 24 của dự thảo. Đánh giá cao việc dự thảo đã quy định về việc xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án có tính đặc thù, rủi ro cao. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành khai khoáng, đại biểu cho rằng chi phí khảo sát, thăm dò tài nguyên, khoáng sản không thành công là một loại chi phí quan trọng nhưng chưa được đề cập đến.
“Trên thực tế, đối với đặc thù của ngành khai khoáng các hoạt động khảo sát, thăm dò tài nguyên, khoáng sản bắt buộc phải triển khai làm cơ sở để quyết định các dự án khai thác, chế biến khoáng sản nếu kết quả thăm dò đạt yêu cầu. Các chi phí này chưa được coi là chi phí của dự án đầu tư nên trong trường hợp kết quả không đạt điều kiện để khai thác ở quy mô công nghiệp cũng nên có quy định xử lý chi phí thăm dò không thành công”, đại biểu Hà giải thích. Đồng thời, kiến nghị bổ sung “chi phí khảo sát, thăm dò khoáng sản không thành công (nếu có)” vào danh mục được xem xét trong quá trình phân phối lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 24, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 1, theo đó lợi nhuận còn lại sau khi nộp ngân sách nhà nước sẽ được doanh nghiệp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ hoặc đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ. Qua đó, bảo đảm doanh nghiệp có đủ nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, triển khai các dự án theo chiến lược và kế hoạch đã được phê duyệt, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nhà nước.